Tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản là hai tội danh độc lập nhưng được quy định chung trong một điều luật là Điều 178 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) do có những đặc điểm tương đồng nhau. Cũng chính vì như vậy, mà hiện nay trong nhiều vụ án vẫn còn quan điểm khác nhau giữa tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Hành vi hủy hoại tài sản có thể hiểu là hành vi làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại đến mức làm mất hẳn giá trị hoặc mất hẳn công năng, giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn. Hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục, sửa chữa lại được. Khi phân biệt tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản, thường phải căn cứ vào một số dấu hiện sau:
Về mục đích của người thực hiện hành vi.Nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử làm rõ được mục đích của người thực hiện hảnh vi phạm tội là làm cho tài sản bị hư hỏng, tiêu hủy hoàn toàn hoặc làm cho tài sản không còn giá trị hoặc mất giá trị sử dụng thì phạm tội hủy hoại tài sản. Còn nếu mục đích của người phạm tội là chỉ muốn làm hư hỏng một phần nào đó của tài sản hoặc làm cho tài sản đó bị mất một phần hoặc giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng thực tế tài sản đó có thể khôi phục, sửa chữa lại được thì phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, việc làm rõ mục đích của người phạm tội đôi khi gặp khó khăn, có thể mục đích của họ ban đầu là muốn hủy hoại tài sản nhưng họ lại khai là chỉ muốn làm hư hỏng một phần tài sản hoặc ngược lại. Điều này đòi hỏi người tiến hành tố tụng cần nhận định, đánh giá hết sức thận trọng và khách quan. Vì nếu không xác định và không chứng minh được mục đích của người phạm tội thì có thể xác định tội danh không chính xác.
Xác định thiệt hại thực tế của tài sản bị xâm hại là như thế nào. Nếu hành vi của người phạm tội làm cho tài sản bị hư hỏng toàn bộ hoặc không còn sử dụng được… thì hành vi đó phạm tội hủy hoại tài sản mà không phải là tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu hành vi của người phạm tội rõ rảng chỉ làm hư hỏng một phần của tài sản hoặc làm giảm một phần giá trị tài sản thì hành vi đó phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Tài sản mà người phạm tội muốn gây thiệt hại là gì. Khi phân biệt tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản, điều khó khăn nhất là tài sản bị thiệt hại là vật đồng bộ. Theo Điều 114 BLDS năm 2015 thì “Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.”. Tuy nhiên, đối với tài sản là vật đồng bộ như xe máy, xe ô tô… thì thông thường người phạm tội chỉ gây thiệt hại cho một bộ phận của chiếc xe như gương chiếu hậu, kính chắn gió… mà không nhằm vào toàn bộ chiếc xe thì hành vi này phạm tội hủy hoại tài sản hay cố ý làm hư hỏng tài sản.
Hãy liên hệ với Luật Công Tâm để được tư vấn chi tiết.
Thông tin liên hệ: Luật Công Tâm
Email : luatsuluatcongtam@gmail.com Website: luatcongtam.com.vn https://www.youtube.com/channel/UCkEnuxL_V_oaCpAde-Eco7A?view_as=subscriber
Hotline : 097.281.0901 – 0387003455