Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có rất nhiều con số cho thấy bóng ma oan, sai lẩn quất trong tất cả các khâu của tố tụng hình sự. Mỗi người dân bị xử oan, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử làm sai là một lần thua cuộc của cả nền tư pháp, công lý phải bẽ bàng. Chỉ khi mỗi số phận con người đều được tôn trọng, nền tư pháp cẩn trọng trước từng công dân thì lúc đó mới có cơ hội tránh được oan sai, công lý mới được thực thi.

Hệ lụy từ những năm tháng tù oan không thể bù đắp: tự do, danh dự, cuộc sống, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản người bị oan, của người thân quen, những mất mát về tinh thần, tình cảm. Và còn bao nhiêu người bị oan sai chưa có cơ hội, điều kiện để kêu oan, thậm chí không dám kêu oan?

Sự cẩu thả của một cá nhân tiến hành tố tụng suốt hành trình tố tụng đã cho thấy sự cẩu thả, quan liêu và hờ hững của cả một bộ máy, quy trình.

Khi một lỗi của người tiến hành tố tụng đã đủ đưa một người vô tội vào vòng lao lý thì những điểm yếu kém về năng lực, phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm công vụ của nhiều điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán gây hậu quả khôn lường đến mức nào cho người dân, xã hội?

Trong khi đó, hệ thống kiểm tra chéo giữa ba cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án có tình trạng nể nang “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”. Tình trạng ba cơ quan thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử đã khiến cho việc kiểm tra và việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu. Nói một cách tổng quát, các cơ quan tư pháp đang “thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau”

Chính bởi vì vậy, cần thiết phải nâng cao vai trò và quyền hạn của luật sư được tôn trọng và đảm bảo là một trong những cách quan trọng để giảm oan, sai trong tố tụng hình sự. Mặt khác, hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân mỗi khi vướng vào vòng lao lý hay mỗi khi cần kiểm soát rủi ro trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

By Tâm

0972810901