Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm….Việc xác định chính xác tội phạm có hay không có đồng phạm trong vụ án hình sự sẽ tránh được trường hợp bỏ lọt tội phạm.

Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự) quy định về đồng phạm như sau:

1- Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2- Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3- Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4- Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”

Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất 2 người trở lên, 2 người này đều phải có đủ điều kiện của chủ thể phạm tội: Là người có đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện là tội phạm có chủ thể đặc biệt thì dấu hiệu chủ thể đặc biệt chỉ đòi hỏi ở người đồng phạm là người thực hành.

Người có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi là người mà khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi đó.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự như sau: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Những người đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm, mỗi người có thể thực hiện 1 trong 4 hành vi sau đây: (i) Hành vi thực hiện tội phạm (người thực hành); (ii) Hành vi tổ chức thực hiện tội phạm (người tổ chức); (iii) Hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm (người xúi giục); (iv) Hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm (người giúp sức).

Hành vi của những người tham gia phải có sự liên kết thống nhất với nhau mới được coi là đồng phạm, biểu hiện qua: Hành vi của người này phải là tiền đề cho hành vi của người khác; Hành vi của mỗi người phải có mối quan hệ nhân quả với việc thực hiện tội phạm chung và hậu quả của tội phạm chung đó.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901