Hiện nay, trên thị trường xảy ra tình trạng bày bán tràn lan các loại rượu ngoại nhập lậu không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vậy hành vi buôn bán rượu lậu bị xử phạt thế nào?

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC, rượu nhập lậu là rượu thành phẩm, rượu bán thành phẩm có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ.

Buôn bán rượu nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc buôn bán rượu nhập lậu sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Căn cứ Điều 188, cá nhân phạm tội buôn lậu sẽ bị phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi:

– Số rượu lậu có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên;

– Số rượu lậu có trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi quy định về tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vật phạm pháp trị giá từ 300 đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên… thì bị phạt tiền từ 300 triệu – 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 – 07 năm. 

Bên cạnh đó, người phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 1,5 – 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 – 15 năm khi vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.

Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 12 – 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Vật phạm pháp trị giá 01 tỷ đồng trở lên;

– Thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên;

– Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Ngoài ra, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, cá nhân buôn bán rượu nhập lậu có thể bị phạt tiền đến 05 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 20 năm.

Doanh nghiệp buôn bán rượu lậu bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng

Theo khoản 6 Điều 188, doanh nghiệp hay pháp nhân thương mại buôn bán rượu lậu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu sẽ bị xử lý như sau:

Phạt tiền từ 300 triệu – 01 tỷ đồng khi:

– Số rượu lậu có trị giá từ 200 đến dưới 300 triệu đồng;

– Số rượu lậu có trị giá từ 100 đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi quy định về tội buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạt tiền từ 01 – 03 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

– Có tổ chức;

– Có tính chất chuyên nghiệp;

– Vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng;

– Thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng;

– Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tiền từ 03 – 07 tỷ đồng nếu vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.

Phạt tiền từ 07 – 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm khi thuộc một trong các trường hợp: Vật phạm pháp trị giá 01 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên; Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.

Hình phạt bổ sung có thể áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu là phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 – 03 năm.

Theo quy định trên, pháp nhân thương mại khi phạm tội buôn lậu có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc thậm chí là bị đình hoạt động vĩnh viễn.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901