Mỗi dịp Tết đến xuân về, việc biếu, nhận quà Tết của cán bộ, công chức luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong đó, đáng chú ý nhất là nếu các đối tượng này nhận quà Tết thì bị kỷ luật thế nào?
Cấm cán bộ, công chức nhận quà Tết dưới mọi hình thức
Theo khoản 2 Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, việc tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức được quy định như sau:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Căn cứ quy định này, cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp cũng như gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của các đối tượng:
– Có liên quan đến công việc do cán bộ, công chức giải quyết;
– Thuộc phạm vi quản lý của cán bộ, công chức đó.
Đồng thời, ngày 09/12/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021. Đáng chú ý, Chỉ thị nhấn mạnh:
Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách Nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi…
Như vậy, trong dịp Tết năm 2021 này, cán bộ, công chức bị nghiêm cấm biếu, tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức.
Nhận quà tặng dịp Tết, cán bộ, công chức bị kỷ luật thế nào?
Căn cứ phân tích ở trên, cán bộ, công chức không được nhận quà Tết 2021 dưới bất kỳ hình thức nào từ người có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi do mình quản lý.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 59, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có chức vụ, quyền hạn vi phạm về nhận quà tặng sẽ bị xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 10 Quy định 205 năm 2019, hành vi sau đây được coi là biểu hiện của chạy chức, chạy quyền:
Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ Tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Do đó, nếu lợi dụng dịp lễ, Tết để nhận quà biếu thì tùy vào tính chất, mức độ mà cán bộ, công chức có thể bị kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng:
– Khiển trách: Nếu vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng (khoản 4 Điều 8);
– Cảnh cáo: Đã bị kỷ luật bằng khiển trách nhưng còn tái phạm (khoản 1 Điều 9);
– Hạ bậc lương: Đã bị cảnh cáo mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng (Điều 10);
– Giáng chức (chỉ áp dụng với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý): Đã bị cảnh cáo mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng (Điều 11).
– Cách chức (Áp dụng với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý): Công chức đã bị kỷ luật giáng chức hoặc cán bộ đã bị cảnh cáo mà còn tái phạm hoặc có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ (Điều 12).
– Buộc thôi việc: Công chức giữ chức vụ lãnh đạo đã bị cách chức mà còn tái phạm hoặc công chức không giữ chức vụ lãnh đạo đã bị hạ bậc lương mà còn tái phạm hoặc có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (Điều 13).
Trong đó, các mức độ nêu trên được Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 112. Cụ thể:
Mức độ | Chi tiết |
Hậu quả ít nghiêm trọng | Vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. |
Hậu quả nghiêm trọng | Vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. |
Hậu quả rất nghiêm trọng | Vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. |
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng | Vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. |
