Giao dịch dân sự là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự; là phương tiện pháp lí quan trọng nhất trong giao lưu dân sự, trong việc dịch chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội. Tuy nhiên không phải bất kì giao dịch dân sự nào cũng hợp pháp và có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định tại điều 116 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Từ quy định tại điều luật này có thể xác định: kết quả của việc xác lập giao dịch dân sự là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lí (hành vi pháp lí đơn phương hoặc đa phương – một bên hoặc nhiều bên) làm phát sinh hậu quả pháp lí. Tuỳ từng giao dịch cụ thể mà làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự.
Giao dịch là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm đạt được mục đích nhất định, cho nên giao dịch dân sự là hành vi mang tính ý chí của chủ thể tham gia giao dịch, với những mục đích và động cơ nhất định. Do vậy, giao dịch dân sự vô hiệu khi không có một trong các điều kiện quy định tại Điều 117 BLDS 2015, cụ thể:

Thứ nhất: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
Thứ hai: Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
Thứ ba: Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Thứ tư: Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Thứ năm: Các trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Những quy định về sự vô hiệu của giao dịch dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thiết lập trật tự kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và nhà nước; bảo đảm an toàn pháp lý cho các chủ thể trong giao lưu dân sự.
So với quy định về giao dịch dân sự vô hiệu tại BLDS 2005, BLDS 2015 có bổ sung thêm cụm từ “trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”. Đây là quy định cần thiết, bởi lẽ các quy định về điều kiện có hiệu lực của BLDS để áp dụng cho đa số các trường hợp nhằm đảm vảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc vô hiệu giao dịch dân sự là không cần thiết. Thực tế, cho thấy giao dịch có thể thiếu điều kiện quy định tại Điều 117 BLDS 2015 nhưng vẫn không vô hiệu. Chẳng hạn như quy định tại điểm a khoản 2 điều 125 BLDS 2015, giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó thì không bị xem là giao dịch dân sự vô hiệu. Sự bổ sung quy định này thể hiện sự linh hoạt trong các quy định của pháp luật.
