Pháp nhân là một thực thể vô hình, không tồn tại về mặt sinh học và vật lý. Vì vậy, không thể giam giữ pháp nhân. Nên, hình phạt tù không phù hợp với pháp nhân. Việc thừa nhận trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là một tiến bộ trong lịch sử lập pháp và áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, hình phạt, với tư cách là hậu quả pháp lý mà pháp nhân bị truy cứu TNHS phải gánh chịu là những hình phạt gì; hình phạt đối với pháp nhân cần được thiết kế và vận dụng theo những nguyên lý nào?

Các hình phạt áp dụng cho pháp nhân chủ yếu là phạt tiền (Fine), khắc phục hậu quả (Restitution), lệnh cưỡng chế (Remedial Order), chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả (Effective Compliance and Ethics Program) và quản chế (Probation).

2.1 Hình phạt tiền

Các nhà khoa học Hoa Kỳ cho rằng, để bảo đảm công bằng và đạt được mục đích ngăn ngừa, hình phạt tiền phải được xác định trên cơ sở mức độ thiệt hại và quy mô của công ty. Tuy nhiên, các luật gia Hoa Kỳ cũng quan tâm đến khả năng trả tiền phạt của pháp nhân. Trước tiên, pháp nhân phạm tội phải khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Do đó, việc phạt tiền cần bảo đảm pháp nhân có đủ tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Khi áp dụng hình phạt tiền, có hai cách tiếp cận khác nhau.

Cách tiếp cận thứ nhất: Toà án được toàn quyền quyết định mức phạt tiền miễn là không vượt quá mức tối đa. Khi quyết định hình phạt, toà án sẽ căn cứ vào quy mô, thu nhập của pháp nhân, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, chi phí khắc phục hậu quả, yêu cầu ngăn ngừa, và thống nhất áp dụng hình phạt.

Cách tiếp cận thứ hai: Toà án sẽ xác định mức phạt tiền dựa trên một công thức toán học. Theo đó phạt tiền là hàm số của mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và mức độ lỗi của pháp nhân phạm tội. Khi áp dụng cách tiếp cận thứ hai, Toà án phải xác định được mức phạt cơ sở (base fine). Mức phạt cơ sở được xác định như sau:

(1)     Mức phạt cụ thể được quy định tại điểm §8C2.4 (d) của Guidelines Manualáp dụng cho các mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội được xác định tại 8C2.3 của Guidelines Manual;

(2)     Khoản lợi mà pháp nhân có được từ hành vi phạm tội; hoặc

(3)     Khoản thiệt hại phát sinh từ hành vi phạm tội bao gồm lỗi cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp và vô ý.Sau khi xác định được mức phạt cơ sở thì cần phải xác định điểm đánh giá lỗi. Việc xác định điểm đánh giá lỗi dựa theo các nguyên tắc sau: 

thứ nhất, điểm đánh giá lỗi sẽ tăng lên khi người quản lý công ty hoặc có thẩm quyền đại diện cho pháp nhân tham gia, chấp nhận hoặc cố ý bỏ qua hành vi phạm tội; 

thứ hai, khi pháp nhân càng lớn, bộ máy quản lý càng chuyên nghiệp, thì hành vi của người quản lý công ty tham gia, chấp nhận hoặc cố ý bỏ qua hành vi phạm tội càng tăng mức độ vi phạm về niềm tin hoặc lợi dụng chức vụ, do đó điểm đánh giá lỗi càng tăng lên;

 thứ ba, điểm đánh giá lỗi sẽ tăng theo quy mô và tính chuyên nghiệp của người quản lý công ty tham gia hoặc chấp nhận hành vi phạm tội.Theo §8C2.5 (b)(1) Guidelines Manual: “Nếu(A)     Pháp nhân có từ 5.000 người lao động trở lên và (i) một cá nhân trong bộ máy quản lý cấp cao của pháp nhân tham gia vào, chấp nhận hoặc cố ý bỏ qua hành vi phạm tội; hoặc (ii) việc chấp nhận hành vi phạm tội bởi người có thẩm quyền cấp cao phổ biến trong pháp nhân; hoặc(B)     Một đơn vị trong pháp nhân có hành vi phạm tội có từ 5.000 người lao động trở lên và (i) một cá nhân trong bộ máy quản lý cấp cao của đơn vị tham gia vào, chấp nhận hoặc cố ý bỏ qua hành vi phạm tội; hoặc (ii) việc chấp nhận hành vi phạm tội bởi người có thẩm quyền cấp cao phổ biến trong đơn vị thì cộng 05 điểm.”Bên cạnh đó, lý lịch của pháp nhân cũng được sử dụng để xác định điểm đánh giá lỗi. Ví dụ, nếu pháp nhân (hoặc bộ phận kinh doanh độc lập) thực hiện bất kỳ phần nào của hành vi phạm tội đang bị xử lý trong thời gian ít hơn 05 năm kể từ khi (A) có bản án hình sự đối với hành vi phạm tội tương tự với hành vi phạm tội đang bị xử lý; hoặc(B) quyết định định xử lý về dân sự hoặc hình sự đối với hai hoặc nhiều hơn hai lần vi phạm tương tự với hành vi đang bị xử lý, thêm 02 điểm”. Ngoài ra, hành vi không tuân thủ lệnh của toà án có thể thêm từ 01 đến 02 điểm. Đối với hành vi cản trở công lý thì thêm 03 điểm.Điểm đánh giá mức độ lỗi sẽ giảm nếu pháp nhân duy trì chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả, hoặc pháp nhân tự thú, hợp tác, hoặc thừa nhận trách nhiệm. Ví dụ, nếu pháp nhân hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra và thừa nhận rõ ràng trách nhiệm của mình đối với hành vi phạm tội thì được giảm 02 điểm.Sau khi xác định được điểm đánh giá lỗi, thì đối chiếu điểm đánh giá lỗi với số nhân tối thiểu và tối đa (minimum and maximum multiplier). Số nhân dao động từ 0,05 đến 4,00. Sau khi xác định được    số nhân thì lấy mức phạt cơ sở nhân với số nhân. Như vậy mức phạt tối thiểu sẽ bằng mức phạt cơ sở nhân với số nhân tối thiểu và mức phạt tối đa bằng mức phạt cơ sở nhân với số nhân tối đa. Khi xác định mức hình phạt cụ thể, toà án sẽ căn cứ vào các yếu   tố như sự cần thiết của việc áp dụng hình phạt; vai trò của pháp nhân trong việc thực hành vi phạm tội; hệ quả kéo theo từ việc kết án, như trách nhiệm dân sự; nạn nhân không có khả năng tự bảo vệ; án tích của người quản lý pháp nhân hoặc người quản lý đơn vị của pháp nhân tham gia thực hiện hành vi phạm tội, chấp nhận hoặc cố ý bỏ qua hành vi phạm tội; hành vi vi phạm dân sự hoặc tội phạm trước đó của pháp nhân; và các yếu tố khác.

2.2 Quản chế (probation)

Trong vụ United States v. Atlantic Richfield Co. (465 F.2d 58), thẩm phán James B. Parsons đã lần đầu tiên thừa nhận áp dụng hình thức quản chế đối với pháp nhân như sau:“Sau khi xem xét cẩn trọng tranh luận của hai bên liên quan đến vấn đề này, chúng tôi quyết định rằng, công ty cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định cho phép Toà án đình chỉ việc áp dụng hoặc thực hiện hình phạt. Kết luận này được ủng hộ bởi quy định khác trong Bộ luật Hình sự giải thích rằng thuật ngữ “bị cáo” bao gồm cả pháp nhân và nội dung của Đạo luật quản chế áp dụng đối với các tội mà phạt tiền có thể áp dụng. Nếu việc đình chỉ hình phạt tiền để cá nhân có điều kiện khắc phục hậu quả trong trường hợp cụ thể thì giải pháp này cũng có thể áp dụng cho pháp nhân”.Các thẩm phán về sau đã phát triển quan điểm này của James B. Parsons để thừa nhận hình phạt quản chế áp dụng đối với pháp nhân. Đến năm 1991, Uỷ ban Hình phạt đã đưa chương 8 vào Bản hướng dẫn (Guideline Manual) và chính thức thừa nhận hình phạt quản chế áp dụng cho pháp nhân trong luật thành văn. Theo hướng dẫn tại §8D1.1. (a), nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì Toà án có thể áp dụng hình phạt quản chế đối với pháp nhân: (1) nếu hình phạt này cần thiết để bảo đảm việc chi trả cho khắc phục hậu quả hoặc bảo đảm cho việc hoàn thành dịch vụ công ích; (2) nếu pháp nhân bị áp dụng hình phạt tiền (ví dụ, chịu chi phí khắc phục hậu quả, phạt tiền hoặc hình thức phạt khác), bị cáo chưa thanh toán đầy đủ số tiền phạt tại thời điểm tuyên án, sự kiểm soát là cần thiết để bảo đảm pháp nhân có thể chi trả được tiền phạt; (3) nếu tại thời điểm kết án, (A) pháp nhân (i) có từ 50 lao động trở lên hoặc (ii) buộc phải thực hiện chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức; và (B) pháp nhân chưa có chương trình này; (4) nếu pháp nhân trong thời gian 05 năm trước khi bị kết án đã thực hiện hành vi vi phạm tương tự theo kết luận của quyết định hình sự; (5) nếu một cá nhân trong bộ máy quản lý cấp cao của pháp nhân đã thực hiện một hành vi vi phạm tương tự theo kết luận của quyết định hình sự trong vòng 05 năm trước khi bị kết án; (6) nếu hình phạt này là cần thiết để bảo đảm những thay đổi được thực hiện trong nội bộ pháp nhân để giảm thiểu khả năng thực hiện hành vi phạm tội trong tương lai; (7) nếu hình phạt áp dụng cho pháp nhân không bao gồm hình phạt tiền; (8) nếu cần thiết để đạt được một hoặc một số mục đích của hình phạt được quy định tại Điều 18 U.S.C. § 3553(a)(2).Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, thời hạn quản chế đối với trọng tội từ 01 năm đến 05 năm, đối với trường hợp khác thì không quá 05 năm. Trong thời gian quản chế, pháp nhân không được: (1) thực hiện bất kỳ hành vi phạm tội nào; (2) đối với trọng tội, bên cạnh áp dụng hình phạt quản chế, Toà phải áp dụng một trong những hình phạt sau: (i) khắc phục hậu quả; (ii) dịch vụ công ích. Tuy nhiên, Toà án có thể không áp dụng các hình phạt kèm theo nêu trên nếu Toà án xét rằng với tình tiết của vụ việc, việc áp dụng thêm các hình phạt trên sẽ không hợp lý. Trong trường hợp này, Toà án sẽ áp dụng một hoặc một số hình phạt được quy định tại 18 U.S.C. § 3563(b). Ví dụ, Toà   án có thể buộc pháp nhân tiếp tục duy trì trụ sở tại địa hạt có thẩm quyền của toà án, nghiêm cấm pháp nhân xuất hiện ở những địa điểm nhất định, báo cáo với người giám sát quản chế (probation officer), buộc pháp nhân phải cho phép người giám sát quản chế thăm khám trụ sở, buộc pháp nhân phải trả lời câu hỏi điều tra của người giám sát quản chế. Bên cạnh đó, Toà án có thể buộc pháp nhân bị kết án phải công bố ra công chúng trên phương tiện thông tin đại chúng do Toà án chỉ định về hành vi phạm tội bị kết án, tình tiết liên quan đến việc kết án, hình phạt bị áp dụng và các bước sẽ được thực hiện để ngăn ngừa tái phạm. Ngoài ra, pháp nhân phải: (1) thiết lập và đệ trình lên Toà án chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả kèm theo lộ trình để thực hiện chương trình này; (2) sau khi chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả được Toà án chấp thuận, pháp nhân phải thông báo cho người lao động và cổ đông về hành vi phạm tội và chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả; (3) định kỳ báo cáo với Toà án hoặc người giám sát quản chế: (a) báo cáo về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của pháp nhân; (b) báo cáo về việc thực hiện chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả. Các báo cáo này phải thông tin về bất kỳ thủ tục truy tố, tố tụng dân sự, thủ tục hành chính, thủ tục điều tra đối với pháp nhân xảy ra kể từ thời điểm nộp báo cáo gần nhất; (4) pháp nhân phải báo cáo với Toà án hoặc người giám sát quản chế ngay khi biết được sự thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh hoặc điều kiện tài chính của pháp nhân; hoặc khi có bất kỳ thủ tục phá sản, tố tụng dân sự, truy tố hình sự, thủ tục hành chính hoặc thủ tục điều tra nào đối với pháp nhân; (5) trình các sổ sách, tài liệu và lời khai của những cá nhân trong pháp nhân tại các đợt kiểm tra định kỳ hoặc bất thường được thực hiện bởi người giám sát quản chế hoặc chuyên viên được Toà án chỉ định; (6) định kỳ thanh toán các khoản sau theo quyết định của Toà án:(a) khắc phục hậu quả; (b) tiền phạt; (c) các khoản tiền khác.Quản chế áp dụng đối với pháp nhân tỏ ra khá hiệu quả ở Hoa Kỳ. Như một nhà khoa học nhận xét, biện pháp này giúp hiểu một cách cặn kẽ nguyên nhân của tội phạm và giúp kiểm soát hiệu quả tái phạm.

2.3 Các hình phạt khác

Ngoài các hình phạt chủ yếu trên, còn có các hình phạt khác như khắc phục hậu quả, lệnh cưỡng chế, dịch vụ công ích…Khắc phục hậu quả: Toà án sẽ ra một lệnh buộc pháp nhân phạm tội phải bồi thường những thiệt hại mà pháp nhân gây ra cho nạn nhân. Toà án sẽ không ra lệnh buộc bồi thường nếu như số lượng nạn nhân quá lớn dẫn đến việc bồi thường là không khả thi hoặc việc xác định nguyên nhân và mức thiệt hại phức tạp và kéo dài thời gian tố tụng không cần thiết. Nếu tài sản của pháp nhân không đủ để thanh toán bồi thường và nộp tiền phạt thì nghĩa vụ bồi thường được ưu tiên trước. Đây là một giải pháp hợp lý. Bởi lẽ, như phần trên đã phân tích, bản chất của việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân, trước hết là bù đắp những thiệt hại cho nạn nhân, khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Theo quyết định của Toà án, pháp nhân phạm tội thanh toán tiền bồi thường một lần hoặc thành nhiều lần. Việc bồi thường có thể được thực hiện bằng tiền hoặc tài sản. Phương thức bồi thường bằng tài sản bao gồm: (a) trả lại tài sản; (b) thay thế tài sản; (c) cung cấp dịch vụ cho nạn nhân hoặc người khác nếu được nạn nhân đồng ý.Ngoài biện pháp khắc phục hậu quả, đối với trường hợp pháp nhân bị áp dụng hình phạt quản chế, Toà án còn áp dụng lệnh cưỡng chế.Lệnh cưỡng chế: Bản chất của lệnh cưỡng chế cũng tương tự như lệnh bồi thường thiệt hại. Theo đó, pháp nhân bị buộc khắc phục những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, ngăn chặn những rủi ro phát sinh trong tương lai do hành vi phạm tội gây ra. Ví dụ, lệnh buộc pháp nhân phạm tội gây ô nhiễm môi trường phải làm sạch môi trường. Nếu thiệt hại trong tương lai có thể xác định được, Toà án sẽ ra lệnh buộc pháp nhân phải lập một quỹ phòng ngừa thiệt hại. Quỹ này được sử dụng để giải quyết những thiệt hại này. Đây là một biện pháp chế tài hiệu quả vừa có ý nghĩa khắc phục những hậu quả  đã xảy ra, vừa có ý nghĩa ngăn ngừa cũng như khắc phục những thiệt hại xảy ra trong tương lai.Dịch vụ công ích: Đối với pháp nhân chịu quản chế, dịch vụ công ích là một biện pháp chế tài mang tính cải tạo, giáo dục cao. Theo đó, pháp nhân bị kết án phải sử dụng nguồn lực, nhân lực hoặc sử dụng các biện pháp khác do pháp nhân gánh chịu chi phí để thực hiện những dịch vụ cho cộng đồng. Trong thực tiễn ở Hoa Kỳ, các dịch vụ công ích mà pháp nhân phạm tội cung cấp cho xã hội chủ yếu liên quan đến các dịch vụ nhằm khắc phục và ngăn ngừa những hậu quả do tội phạm mà pháp nhân thực hiện gây ra. Vì vậy, dịch vụ công ích rất có ý nghĩa.Chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả: Khi thực hiện chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả, pháp nhân phải thực hiện công tác soát xét nhằm ngăn ngừa và phát hiện tội phạm, cũng như thiết lập một nền tảng văn hoá đề cao sự tuân thủ pháp luật và ứng xử đạo đức. Về mặt lý thuyết, chương trình này tỏ ra rất hữu ích trong việc ngăn ngừa tội phạm được thực hiện bởi pháp nhân. Khi thực hiện chương trình tuân thủ và ứng xử đạo đức hiệu quả, pháp nhân phải bảo đảm các yêu cầu sau:(4) Pháp nhân phải thiết kế và thực hiện các giải pháp và quy trình nhằm ngăn ngừa và phát hiện tội phạm.(5) Phải tổ chức nhân sự nhằm bảo đảm chương trình được thực thi và hiệu quả: (a) cơ quan quản lý của pháp nhân phải nắm vững mục tiêu và nội dung của chương trình và thực hiện nghĩa vụ giám sát nhằm bảo đảm chương trình được thực hiện có hiệu lực và hiệu quả; (b) người quản lý cao cấp của pháp nhân phải nắm vững mục tiêu và nội dung của chương trình và thực hiện nghĩa vụ giám sát nhằm bảo đảm chương trình được thực hiện có hiệu lực và hiệu quả;(c) phải bố trí nhân sự chuyên trách quản lý việc thực hiện chương trình này.(6) Pháp nhân phải nỗ lực để không đưa vào hệ thống những người quản lý cao cấp những cá nhân thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc không tuân thủ theo chương trình.(7) Pháp nhân phải thường xuyên đào tạo, phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và ứng xử đạo đức cho các cá nhân là thành viên của cơ quan quản lý của pháp nhân, người quản lý cấp cao, người lao động của pháp nhân, người đại diện của pháp nhân và những nhân sự khác của pháp nhân.(8)Pháp nhân phải thiết lập được một hệ thống sao cho: (a) bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chương trình, bao gồm cả việc giám sát, đánh giá, kiểm toán nhằm ngăn ngừa và phát hiện vi phạm; (b) đánh giá định kỳ tính hiệu quả của chương trình; (c) bảo đảm cá nhân trong pháp nhân có thể tố cáo hành vi phạm tội hoặc các dấu hiệu của tội phạm mà không sợ bị trả thù.(9) Chương trình này phải được thực hiện xuyên suốt trong tổ chức của pháp nhân thông qua các biện pháp khuyến khích và biện pháp chế tài hiệu quả.(10)Sau khi phát hiện ra tội phạm, pháp nhân phải có hành vi tương thích đối với hành vi phạm tội và có biện pháp phù hợp để ngăn ngừa tái phạm.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901