Tội bạo loạn là trường hợp người phạm tội đã có hành vi “hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống lại chính quyền nhân dân”.
Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là ‘Bộ luật Hình sự’) quy định về tội bạo loạn như sau:
“Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; -2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm; -3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”.

Hành vi khách quan của tội phạm này đòi hỏi dấu hiệu là một trong hai hành vi: hành vi hoạt động vũ trang hoặc hành vi dùng bạo lực có tổ chức.
– Hành vi hoạt động vũ trang được hiểu là hoạt động tập hợp đông người có trang bị vũ khí, có thể là vũ khí thô sơ hoặc vũ khí quân dụng. Đây là hoạt động dùng vũ lực một cách công khai nhằm vào các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước,…
– Hành vi dùng bạo lực có tổ chức là hành vi sử dụng sức mạnh tuy không có vũ khí nhưng có sự liên kết, phối hợp đồng thời của nhiều người theo chỉ đạo chung.
Đối tượng của 2 hành vi nói trên cùng nhắm tới là trụ sở cơ quan nhà nước, doanh trại quân đội, kho tàng, người thi hành công vụ,….
Hành vi cụ thể của hai hoạt động này có thể là hành vi bắn phá, cho nổ bộc phát hoặc chỉ là bao vây, chiếm đóng trụ sở của cơ quan nhà nước, hoặc là bắt giam, tra tấn cán bộ, công chức,….
