Xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét, giải quyết hoặc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây thiệt hại cho người tố cáo, hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo.
Điều 166. Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Trả thù người khiếu nại, tố cáo;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
d) Dẫn đến biểu tình;
đ) Làm người khiếu nại, tố cáo tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi được thể hiện ở những hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
+ Hành vi cản trở việc khiếu nại, tố cáo là hành vi sử dụng thẩm quyền, uy quyền do chức vụ công tác của mình mà có để ngăn chặn việc khiếu nại, tố cáo làm cho công dân không thực hiện được quyền khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn không nhận đơn, không giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc không xử lý đối với người bị khiếu nại, tố cáo từ đó mà gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo…
Tội phạm được coi là hoàn thành khi đã có hành vi cản trở không phụ thuộc vào việc có đạt được kết quả hay không.
+ Hành vi không chấp hành quyết định của các cơ quan có thẩm quyền về việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo (như dây dưa, lẩn tránh, trì hoãn, từ chối..)
+ Hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức khác nhau xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của họ như: không lên lương, không cho đi học, buộc thôi việc…
