Theo điều 207 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 thì tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau:
Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều luật trên quy định với 04 hành vi là: Làm tiền giả; tàng trữ tiền giả; vận chuyển tiền giả; lưu hành tiền giả. Trong đó, lưu hành tiền giả được thể hiện thông qua hoạt động đưa tiền giả vào sử dụng để thanh toán, trao đổi. Như vậy, việc tiêu tiền giả cũng là một hoạt động trong thanh toán, trao đổi nên sẽ bị xử lý hình sự với quy định tại Điều 207.
Để bị xử lý hình sự, hành vi vi phạm phải bị coi là tội phạm. Căn cứ Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.
Trong đó, theo Điều 10 quy định, cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau:
– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, lỗi vô ý phạm tội được quy định tại Điều 11 là hành vi phạm tội trong trường hợp sau đây:
– Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
– Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Như vậy, nếu hành vi vi phạm có lỗi do cố ý hoặc vô ý thì bị áp mức phạt theo quy định. Ngược lại, nếu không có lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm thì người phạm tội có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự.
