Đất đai là một nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia, là một loại tài sản đặc biệt. Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý và thực hiện quyền sở hữu. Các cá nhân, tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhà nước cần phải thu hồi các diện tích đã giao cho các cá nhân, tổ chức sử dụng. Đất là điều kiện đảm bảo cuộc sống, là công cụ lao động chủ yếu, quan trọng của tất cả người sử dụng đất. Việc thu hồi đất cần đảm bảo quyền lợi về tài sản, cũng như đảm bảo cuộc sống của người sử dụng đất có diện tích đất bị thu hồi. Chính vì vậy, nhà nước ta có chính sách bồi thường, hỗ trợ đất, hỗ trợ tài sản cho người sử dụng đât có thể đảm bảo đời sống, tái đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất được quy định cụ thể trong luật đất đai, các nghị định hướng dẫn của chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ ngành, các quy định hướng dẫn chi tiết cụ thể của từng địa phương. Đây là một chính sách đúng đắn, đảm bảo công bằng, đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống bình thường của người sử dụng đất. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện chính sách, có nhiều người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện sai chính sách của nhà nước, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, không đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người có diện tích đất bị thu hồi. Hành vi này lần đầu tiên được hình sự hóa trong một điều luật cụ thể điều 230 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định:

Điều 230. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;

b) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901