Tội không chấp hành án là hành vi của người phạm tội đã bị Toà án kết án và tuyên hình phạt tại bản án, quyết định, và bản án, quyết định này đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn cố ý không chấp hành mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết.
Tội không chấp hành án đòi hỏi dấu hiệu hành vi dưới hình thức “không hành động”, đó là hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Người không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu việc không thực hiện đó còn xảy ra sau khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết. Tức là, trường hợp không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án trước khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành chưa bị coi là phạm tội này.
Điều 380. Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 380 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017
