Từ trước đến nay trong quan hệ dân sự, vì một số lý do (ví dụ như tài sản đã bán là vật gia bảo, vật kỷ niệm, đất đai của dòng họ hoặc các lý do khác) mà sau khi bán tài sản hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất được một thời gian bên bán muốn chuộc lại tài sản đã bán từ bên mua. Việc chuộc lại có lợi hơn cho bên bán ban đầu ở vấn đề giá cả so với việc mua bán vì đã có sự thỏa thuận trước.

Nắm bắt được nhu cầu này và để thống nhất giải quyết nếu phát sinh giao dịch, trước đây Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 462) đã quy định áp dụng cho hoạt động “chuộc lại tài sản đã bán”, và hiện nay Điều 454 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) đã có một số thay đổi tiến bộ hơn quy định về giao dịch dân sự đặc biệt này. Cụ thể Điều 454 BLDS 2015:

“1.   Bên bán có thể thỏa thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.

Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn chuộc lại không quá 01 năm đối với động sản và 05 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trong thời hạn này, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.   Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Từ quy định trên có thể thấy việc chuộc lại tài sản đã bán được thực hiện theo thỏa thuận của bên bán và bên mua thông qua hợp đồng mua bán tài sản có điều kiện chuộc lại. Nghĩa là để phát sinh quyền chuộc lại tài sản và để có thể áp dụng quy định pháp luật về chuộc lại tài sản thì bên mua và bên bán phải thỏa thuận ngay từ đầu về quyền này trong hợp đồng mua bán hoặc chuyển nhượng ban đầu. Đây được xem là một giao dịch dân sự đặc điệt vì có điều kiện được chuộc lại ràng buộc. Trong thời hạn được chuộc lại, bên bán có quyền chuộc lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý, đồng thời bên mua không có quyền sở hữu đầy đủ đối với tài sản (bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”).

Khi giao kết hợp đồng mua bán tài sản có điều kiện chuộc lại, các bên thỏa thuận bên bán có quyền chuộc lại tài sản trong một khoảng thời hạn nhất định gọi là “thời hạn chuộc lại”. Pháp luật không giới hạn thời hạn tối đa, tuy nhiên để đảm bảo cho bên mua về quyền sở hữu đầy đủ đối với tài sản thì chúng ta nên thỏa thuận khoảng thời gian này không quá dài. Trường hợp nếu các bên chỉ thỏa thuận về quyền được chuộc tài sản đã bán mà không ấn định thời hạn cụ thể thì Điều 454 BLDS 2015 quy định nếu tài sản là động sản thì thời hạn chuộc lại không quá 01 năm và nếu tài sản là bất động sản thì thời hạn chuộc lại không quá 05 năm, trừ trường hợp luật liên quan đến giao dịch với tài sản đó có quy định khác.

Về nguyên tắc, giá chuộc lại đối với tài sản trong loại hợp đồng này là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại. Tuy nhiên, BLDS 2015 có mở rộng thêm “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, tức là luật cho phép các bên tự thỏa thuận và giá chuộc lại này chứ không nhất thiết phải là giá thị trường. Ví dụ như các bên có thể thỏa thuận giá chuộc lại là giá bán ban đầu cộng với phần lãi suất ngân hàng tính từ thời điểm chuyển nhượng cho tới thời điểm chuộc lại; hoặc giá chuộc lại là một con số cụ thể nào đó do các bên thỏa thuận trước.

Nói về quyền hạn của bên mua khi đang trong thời hạn chuộc lại thì do bị ràng buộc bởi hợp đồng mua bán có điều kiện chuộc lại nên quyền sở hữu của bên mua sẽ bị giới hạn. Cụ thể là bên mua bị hạn chế quyền định đoạt tài sản – “không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác”, và phải chịu rủi ro đối với tài sản. Tuy nhiên để thuận tiện cho từng trường hợp khác nhau, Bộ luật dân sự cũng cho phép các bên được quyền thỏa thuận về quyền và trách nhiệm của bên mua. Ví dụ chúng ta có thể thỏa thuận về việc chia sẻ rủi ro đối với tài sản hoặc tăng/giảm một số quyền khác của bên mua đối với tài sản trong thời hạn được chuộc lại.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901