Mua trả chậm, trả dần là quy định liên quan đến hợp đồng mua bán tài sản lần đầu tiên được ghi nhận tại Bộ luật dân sự năm 1995, trước đây Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành không nhắc tới quy định nêu trên. Bản chất của hình thức mua trả chậm và trả dần về cơ bản giống nhau, trừ một điểm khác biệt duy nhất về phương thức thanh toán.
Đây là một hình thức của hợp đồng mua bán tài sản được sử dụng khá phổ biến hằng ngày khi bên mua tài sản không đủ khả năng để thanh toán một lần thì có thể áp dụng hình thức mua trả chậm, trả dần. Và việc mua trả chậm, trả dần không những phải tuân thủ quy định pháp luật dân sự nói chung mà còn cả pháp luật chuyên ngành có liên quan, ví dụ việc mua nhà theo hình thức nêu trên phải tuân thủ cả luật nhà ở và luật kinh doanh bất động sản.
Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định cụ thể như sau:
Điều 453. Mua trả chậm, trả dần
1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo quy định trên, hình thức mua trả chậm và hình thức mua trả dần về cơ bản giống nhau, trừ một điểm khác biệt duy nhất về phương thức thanh toán.
Cụ thể, phương thức thanh toán của mua trả chậm là thanh toán một lần nhưng không phải thanh toán ngay. Theo phương thức này, bên mua sẽ trả toàn bộ tiền cho bên bán một thời gian nhất định sau khi giao kết hợp đồng và nhận tài sản.
Phương thức thanh toán của mua trả dần là thanh toán nhiều lần, mặc dù tài sản mua bán được chuyển giao ngay cho người mua sau khi ký hợp đồng mua bán. Theo phương thức này, bên mua không trả toàn bộ số tiền mua tài sản một lần mà trả thành nhiều lần với số lần trả và số tiền trả trong một lần theo sự thỏa thuận của các bên.
Trong hình thức mua trả chậm, trả dần, mặc dù bên mua chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa hết tiền cho bên bán nhưng họ lại được nhận tài sản mua bán và có quyền đưa tài sản vào khai thác công dụng; còn bên bán đã giao vật cho bên mua nhưng họ vẫn còn quyền sở hữu đối với tài sản đã bán. Về phương diện pháp lý, đây là một dạng hợp đồng mua bán được giao kết với điều kiện bảo lưu, trì hoãn quyền sở hữu của bên bán đối với tài sản đã bán. Pháp luật công nhận quyền sở hữu của bên bán được bảo lưu cho đến khi bên mua thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ thanh toán. Trong thì gian trả chậm, trả dần, nếu bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán (như không trả tiền, trả tiền không đầy đủ, trả không đúng hạn), bên bán có quyền đòi lại tài sản đã bán.
Hợp đồng mua trả chậm, trả dần phải được lập thành văn bản. Quy định hình thức chặt chẽ cho hợp đồng mua bán tài sản trả chậm, trả dần xuất phát từ cơ sở: trong hình thức mua bán này, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên không phát sinh và chấm dứt ngay mà là cả một quá trình, do đó rât phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp. Hình thức văn bản còn giúp cho bên bán dễ thực hiện quyền yêu cầu của mình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của bên mua đối với việc thực hiện nghĩa vụ cam kết.
Khi giao kết hợp đồng mua trả chậm, trả dần, ngoài ra các điều khoản về đối tượng, giá cả, thời gian chậm thanh toán, các bên cần phải thỏa thuận về hậu quả pháp lý khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với bên bán.
Sau khi nhận vật, bên mua có quyền sử dụng vật mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đây là điểm khác với quy định cho hình thức mua với điều kiện dùng thử.
