Quyền đối với bất động sản liền kề là một quyền phái sinh từ chế định sở hữu, xuất hiện từ thời La Mã cổ đại và được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS). Trong các quyền đối với bất động sản liền kề, quyền về lối đi qua là một quyền đặc biệt quan trọng.

Điều 245 BLDS 2015 đưa ra khái niệm quyền đối với bất động sản liền kề như sau: “Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền)”. Như vậy, quyền đối với bất động sản liền kề về bản chất là vật quyền, quyền này gắn liền với hai bất động sản (hưởng quyền và chịu hưởng quyền) chứ không gắn với chủ sở hữu bất động sản, khi thay đổi chủ sở hữu thì quyền này sẽ không bị mất đi mà chuyển từ chủ sở hữu cũ sang chủ sở hữu mới, chủ sở hữu mới sẽ được hưởng quyền, còn chủ sở hữu cũ sẽ chấm dứt quyền.

Quyền về lối đi qua là một trong những quyền đối với bất động sản liền kề. Việc ghi nhận quyền này thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đề cao tình làng nghĩa xóm theo tinh thần của dân tộc Việt Nam, đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền và chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền.

Điều 254. Quyền về lối đi qua

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901