Xét xử hai cấp là một nguyên tắc tiến bộ được áp dụng phổ biến trên thể giới và nhiều quốc gia. Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là một trong những biểu hiện của dân chủ và tiến bộ trong tố tụng dân sự.
Điều 17. Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Việc đảm bảo hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự xuất phát từ nhiều lí do khác nhau:
Thứ nhất, xuất phát từ bản chất chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong bộ máy nhà nước, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng chuyên biệt của Nhà nước. Để có thể đảm bảo giải quyết đúng đắn một vụ án dân sự, nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử là Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bằng hoạt động xét xử Tòa án phải bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, nguyên tắc hai cấp xét xử chính là cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích của các con người cụ thể đã được pháp luật ghi nhận.
Thứ hai, xuất phát từ bản chất của hoạt động tư pháp mà Tòa án thực hiện. Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, những phán quyết của Tòa án phải giải quyết đúng đắn vụ án. Tuy vậy, không phải bao giờ, việc xét xử của Tòa án một lần đã đúng, đã đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án, nó cần phải được xem xét, kiểm tra lại ở một Tòa án cấp trên. Xét xử hai cấp cũng chính là hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động xét xử của Tòa án cấp dưới, nhằm đảm bảo tính khách quan nhất cho một phán quyết nhân danh công lý của Tòa án.
Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Nguyên tắc hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự dựa trên thực tế giải quyết các vụ việc của Tòa án, đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án được đúng lẽ phải, mọi phán quyết của Tòa án trước khi có hiệu lực phải được xem xét một cách thận trọng. Thế nhưng, Tòa án khi xét xử cũng không phải bao giờ xét xử một lần cũng đúng, một lần cũng đã làm thỏa mãn các đương sự. Vì vậy phải có hai cấp xét xử. Nguyên tắc hai cấp xét xử để đảm bảo cho đương sự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án.
Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu của hoạt động xét xử Việc xét xử qua hai cấp: cấp thứ nhất là cấp sơ thẩm và cấp thứ hai là cấp phúc thẩm do Tòa án cấp trên của Tòa án sơ thẩm thực hiện. Dù là hai cấp xét xử, cấp sơ thẩm thực hiện chức năng là cấp xét xử thứ nhất có vai trò quyết định trong việc chấm dứt giải quyết các tranh chấp. Tòa án cấp phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai đảm bảo cho việc giải quyết vụ án luôn đúng đắn. Mục đích của xét xử hai cấp là nhằm hướng tới đảm bảo sự thật khách quan của vụ án và các quyền, lợi ích của đương sự được bảo vệ.
Thứ năm, xuất phát chức năng, nhiệm vụ của Tòa án Nguyên tắc hai cấp xét xử là cơ sở thực hiện đúng được chức năng, nhiệm vụ xét xử của Tòa án nhân dân. Khi các bên tranh chấp, khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Vụ án nhân dân được giải quyết lần đầu tại phiên tòa sơ thẩm, đây là cấp xét xử đầu tiên. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có thể không đúng, không làm hài lòng các đương sự, Viện kiểm sát dẫn đến kháng cáo hoặc kháng nghị của người có thẩm quyền. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thì Tòa án phải xét xử lần hai tại cấp phúc thẩm.
Thứ sáu, xuất phát từ thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án Trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự, không ít các Thẩm phán công tâm có trình độ pháp luật, song khi xét xử vụ án dân sự, không phải bao giờ cũng đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án. Thực tế đó một phần cho thấy sự phức tạp của những quan hệ pháp luật dân sự trong xã hội, chính vì thế, trong lĩnh vực tố tụng dân sự đã có những kỉ lục về những vụ án kéo dài hàng chục năm, hàng chục phiên tòa cho một vụ án. Những thực tế của hoạt động xét xử cho thấy, hai cấp xét xử là cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả các vụ án cần xét xử theo hai cấp mới đảm bảo việc giải quyết đúng đắn vụ án.
