Một trong những biện pháp ngăn chặn hết sức quan trọng được áp dụng ban đầu đối với người bị nghi thực hiện hành vi phạm tội đó là tạm giữ. Nhưng do đây là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nên pháp luật Tố tụng hình sự nước ta có những giới hạn về thời hạn áp dụng. Cụ thể thời hạn tạm giữ được quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, như sau:

   “Điều 118. Thời hạn tạm giữ

    1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

    2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.”

    Theo quy định trên thì thời hạn tạm giữ là không quá 03 ngày, trường hợp cần thiết thì có thể gia hạn 02 lần và mỗi lần không quá 03 ngày. Như vậy, đối với tạm giữ thì Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tính thời hạn bằng Ngày.Cách tính thời hạn trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định tại Điều 134, như sau:

    “Điều 134. Tính thời hạn

    1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.

    …

    Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày.”

    Trong điều luật không có quy định cụ thể 1 ngày gồm bao nhiêu giờ, mà chỉ quy định khi tính thời hạn theo Ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Đối với tạm giữ do thời hạn được tính theo Ngày nên sẽ hết vào 24 giờ ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định mà không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu là bao nhiêu giờ; do đó có thể hiểu rằng trongquyết định tạm giữ việc ghi giờ kết thúc là không cần thiết vì thời hạn sẽ luôn hết vào lúc 24 giờ của ngày cuối cùng của thời hạn.

    Các quy định trên của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 là: “Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ”; như vậy quyết định tạm giữ chỉ cần ghi rõ ngày hết hạn mà không cần ghi giờ và ngày hết hạn.

    Nhưng Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ”. So với Khoản 3 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thì Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã thêm quy định mới là phải xác định rõ giờ hết thời hạn tạm giữ.

    Như đã lập luận ở trên nếu thời hạn tạm giữ luôn kết thúc vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn thì việc ghi giờ hết thời hạn là không cần thiết. Do vậy quy định tại Khoản 2 Điều 117 đã phần nào mâu thuẫn với quy định tại Điều 118 và 134 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

    Ngoài quy định mới tại Khoản 2 Điều 117 thì các quy định tại Điều 118 và 134 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015về thời hạn tạm giữ cũng tương tự như quy định tại các Điều 87 và 96 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

    Để hướng dẫn thống nhất cách tính thời hạncủa Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, liên ngành trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 trong đó có quy định tại Điều 6 như sau:

    “6. Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam và cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam (Khoản 4 Điều 87)

    Căn cứ Khoản 4 Điều 87 của BLTTHS thì trong trường hợp tạm giữ và tạm giam liên tục hoặc không liên tục với nhau, thời hạn tạm giữ đều phải được trừ vào thời hạn tạm giam để điều tra. Nếu tạm giam liên tục với tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ, không tính trùm thời hạn tạm giam lên thời hạn tạm giữ.

    Căn cứ Điều 96 của BLTTHS khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì một tháng được tính là ba mươi ngày. Do đó, khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam phải căn cứ vào thời hạn thực tế được ghi trong quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam và tính liên tục cả ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết) nếu thời hạn tạm giữ, tạm giam trùng vào ngày nghỉ. Một tháng phải tính theo tháng đủ là ba mươi ngày, không tính ngày theo tháng thiếu hoặc tháng thừa (28 hoặc 31 ngày).

    Cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam trong trường hợp trước đó bị can đã bị tạm giữ được thực hiện thống nhất như sau: thời hạn tạm giam được tính theo ngày, bắt đầu kể từ ngày ra lệnh tạm giam và kết thúc vào ngày của tháng tương ứng khi hết số ngày cần tạm giam (đã trừ đi số ngày tạm giữ).

    Theo quy định trên thì thời hạn tạm giữ phải được tính theo ngày, nếu tạm giam liên tục với tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ, không tính trùm thời hạn tạm giam lên thời hạn tạm giữ. Đối chiếu quy định này với Ví dụ ở trên thì thấy sự mâu thuẫn, bởi Nguyễn Văn A bị tạm giữ từ ngày 01/3 đến ngày 04/3/2004 thì tổng thời hạn tạm giữ là 04 ngày chứ không phải 03 ngày và thời hạn tạm giữ sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày 04/3/2004; đồng thời trong Ví dụ lại hướng dẫn ghi lệnh tạm giam của A là kể từ ngày 04/3/2004, như vậy thời hạn tạm giam đã trùm lên thời hạn tạm giữ.

    Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có hiệu lực nhưng không có quy định nào làm rõ hơn hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 05/2005 và cũng không có văn bản nào thay thế, sửa đổi, hủy bỏ nên Thông tư này vẫn có hiệu lực.

    Ngày 14/12/2017, Bộ Công an ban hành Thông tư số 61/2017/TT-BCA quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự; trong đó có ban hành mẫu số 36: Quyết định tạm giữ. Theo nội dung mẫu 36 thì thời hạn tạm giữ được ghi chính xác theo giờ, phút, ngày, tháng, năm;mỗi ngày tạm giữ phải đủ 24 giờ, thời điểm kết thúc thời hạn tạm giữ là thời điểm được ghi rõ trong quyết định chứ không phải là 24 giờ của ngày ghi trong quyết định.Như vậy, việc ngành Công an quy định cách tính thời hạn tạm giữ mỗi ngày phải đủ 24 giờ là trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

    Qua sự phân tích trên đây có thể thấy, nếu áp dụng đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là tính thời hạn theo ngày và thời hạn tạm giữ hết vào 24 giờ của ngày ghi trong quyết địnhthì trong trường hợp thời điểm bắt đầu tạm giữ càng về gần cuối ngàythì người bị tạm giữ sẽ bị tạm giữ ít thời gian hơn và thời điểm kết thúc của mọi quyết định tạm giữ đều là lúc 24 giờ của ngày ghi trong quyết định và hoàn toàn không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tạm giữ. Nhưng nếu áp dụng theo quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005 và mẫu số 36 của ngành Công an thì thời hạn tạm giữ sẽ luôn đủ 24 giờ mỗi ngày và thời điểm kết thúc thời hạn tạm giữ sẽ phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu thời hạn tạm giữ chứ không phải là lúc 24 giờ của ngày ghi trong quyết định; trong trường hợp thời điểm kết thúc thời hạn tạm giữ không phải là 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ mà thời hạn tạm giam lại được tính từ ngày tiếp theo thì sẽ bị trống khoảng thời gian từ khi kết thúc giờ tạm giữ đến 24 giờ cùng ngày.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901