Vào khoảng 23 g ngày 15/6/2021, thấy Lê Văn A có hành vi đi xe vượt quá tốc độ tại quốc lộ 5B theo hướng đi Hà Nội – Hải Phòng, lực lượng CSGT tỉnh Hải Dương đã yêu cầu dừng xe để xử phạt hành chính và kiểm tra hành chính.
Thấy vậy, A liền bỏ chạy, chạy được 2 km thì bị bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, A khai nhận: Khoảng từ 20g đến 21g cùng ngày, A có cướp tài sản của hai cô gái tại khu công viên đi bộ tại thị trấn LC, là gồm một túi xách bên trong đựng tiền, giấy tờ và có làm cho hai cô gái bị thương. Số giấy tờ đó không có giá trị lên A đã vứt bỏ bên đường, sau đó tiếp tục đi lên thành phố HD thì bị phát hiện và bắt giữ.
Túi tiền mà A cướp được từ hai cô gái, sau khi xác minh thì phát hiện gồm 100 tờ 200.000 đồng và 50 tờ 500.000 đồng nhưng tất cả đều là tiền giả.
Mặc dù, hành vi chiếm đoạt tiền của A đã thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của Tội cướp tài sản; lỗi của A là cố ý với mục đích là chiếm đoạt tài sản của hai cô gái. Tuy nhiên, khách thể của tội cướp tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người, đối tượng tác động của hành vi phải là tài sản. Theo quy định về tài sản tại Điều 105 BLDS thì: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Như vậy, đối tượng tác động của tội Cướp tài sản là tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự, bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tiền mà A chiếm đoạt là tiền giả và quyền sở hữu tiền giả không được pháp luật bảo hộ. Do đó, A không phạm tội cướp tài sản.
