Có thể nhận thấy trong tình hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, việc thực hiện xét xử trực tuyến vụ án hình sự mang lại rất nhiều lợi ích: Không cần trích xuất các bị cáo ra khỏi nhà tạm giữ, tạm giam đến tham gia phiên tòa xét xử sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí trích xuất, dẫn giải và chi phí cho công tác đảm bảo an ninh tại phiên toà, đảm bảo thời hạn xét xử, tiết kiệm thời gian, an toàn xã hội nhưng vẫn đảm bảo quyền con người, quyền tự bào chữa và nhờ Luật sư bào chữa của bị cáo. Mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự còn ứng dụng được các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại và phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp trong các Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam theo Kế hoạch số 76/KH-BCĐ-TANDTC ngày 10/6/2021 của Toà án nhân dân tối cao. 

Sự khác nhau cơ bản giữa xét xử theo thủ tục thông thường và xét xử trực tuyến, là những người tham gia phiên tòa xét xử không ở cùng một địa điểm và không gian. Nhìn nhận việc xét xử trực tuyến vẫn là một hình thức “mặt đối mặt” nhưng là một hình thức “mặt đối mặt” mới trong thời đại internet và xét xử trực tuyến thực sự làm phong phú hơn nội hàm của xét xử trực tiếp. Nhìn ở góc độ Luật sư, việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, trong đó vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến phải được chú trọng một cách đặc biệt. 

Tuy nhiên, do đặc điểm phiên toà xét xử vụ án hình sự trực tiếp bằng hình thức trực tuyến thông qua một đường truyền viễn thông, nên các yếu tố pháp lý, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, trình tự tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên toà trong điều kiện bị cáo, Luật sư có thể không cùng không gian, địa điểm xét xử là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Đó là chưa kể, trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và không gian mạng còn hạn chế ở vùng miền núi, dân tộc, hoặc chưa phủ kín, việc liên thông giữa Toà án, cơ sở giam giữ, chỗ ngồi, phương tiện kết nối, tính bảo mật, riêng tư của các thành phần tham gia phiên toà là những thách thức lớn. 

Việc xét xử trực tuyến không vi phạm quy định tại Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo và các đương sự, cũng như việc xem xét, kiểm tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập và thông qua việc thẩm tra, đánh giá và tranh tụng tại phiên toà. Riêng các vụ án khó, phức tạp, quan điểm đánh giá chứng cứ khác biệt, số lượng bị cáo và những người tham gia tố tụng quá đông, không đảm bảo quy tắc phòng chống dịch hoặc có những tình tiết khác không phù hợp thì không chọn để xét xử trực tuyến.

Cần sớm ban hành Quyết định ban hành Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến, trong đó hướng dẫn cách thức tổ chức và trình tự phiên toà xét xử trực tuyến đối với một số loại vụ án hình sự được lựa chọn, với các phạm vi về tiêu chí và sơ đồ phòng xét xử trực tuyến, cách thức tống đạt thủ tục tố tụng, trình tự, thủ tục phiên toà, điều kiện hạ tầng và chất lượng đường truyền, kết nối phần mềm đảm bảo sự có mặt của người tiến hành tố tụng tại đầu cầu trụ sở Toà án, bị cáo tại cơ sở giam giữ và các đầu nối của người tham gia tố tụng, cách thức tiếp xúc của Luật sư với bị cáo thông qua hệ thống trực tuyến. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể về trình tự xét hỏi, cách thức xem xét vật chứng, tài liệu, chứng cứ thông qua màn hình và âm thanh trực tuyến, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống mạng truyền dẫn, bảo mật thông tin.

Ở góc độ này, Toà án nhân dân tối cao cần phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông xây dựng một tiêu chuẩn quốc gia để sử dụng đường truyền âm thanh và hình ảnh trong xét xử trực tuyến tại Tòa án, thiết lập các tiêu chuẩn của thiết bị kỹ thuật tại các Tòa án, cung cấp phần mềm và dịch vụ lưu trữ cho phiên xử trực tuyến. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, cần nghiên cứu cách thức liên lạc, thông báo, tống đạt thủ tục, giấy tờ qua mạng internet, thống nhất trước cách thức tiến hành phiên toà và cung cấp quyền truy cập hệ thống mạng của phiên toà xét xử trực tuyến, chia sẻ màn hình với các điều kiện bảo mật trong phòng xử, kể cả việc tạo điều kiện cho các Luật sư để trao đổi với thân chủ của mình.

Quy chế ban hành kèm theo Quyết định của Chánh án Toà án nhân dân tối cao nếu được cũng cần hướng dẫn bằng phụ lục về chức năng cơ bản trong Zoom như cách thức cài đặt Zoom (Zoom Setting); bật/tắt âm thanh/video, mời người tham gia xét hỏi, xem không gian và những người tham gia phiên toà, cách thức chia sẻ màn hình và thứ tự tranh luận, tuyên án; ghi âm lại phiên toà và rời khỏi phòng xử trực tuyến. Ngoài ra, cần quy định về quy tắc ứng xử của người tiến hành và tham gia tố tụng trong phiên toà trực tuyến, tuyệt đối tuân theo hướng dẫn được cung cấp bởi Tòa án để chuẩn bị cho việc tham dự phiên toà. Các chủ thể tham gia phải sử dụng hình nền ảo do Tòa án cung cấp, ở những địa điểm thích hợp trong một không gian yên tĩnh, bảo đảm mức độ riêng tư và hiển thị hình ảnh bảo đảm độ sáng thích hợp.

Từ việc hướng dẫn mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự, trên cơ sở thực tiễn triển khai, có thể từng bước áp dụng đối với các phiên toà xét xử các vụ án dân sự, hành chính và vụ án khác, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Toà án, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901