Phụ lục hợp đồng là gì?

Hiện nay, chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm cụ thể về phụ lục hợp đồng.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Điều 22. Phụ lục hợp đồng lao động

1. Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

Ngoài ra, theo Điều 403 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

Như vậy, có thể thấy, phụ lục hợp đồng là một văn bản đi kèm hợp đồng, thường dùng để quy định chi tiết một số điều khoản hoặc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong hợp đồng.

Khi đi kèm hợp đồng chính, phụ lục hợp đồng là một phần không thể tách rời. Phụ lục hợp đồng chỉ có ý nghĩa khi gắn kết với một hợp đồng cụ thể. Nếu tách rời thì phụ lục hợp đồng không có giá trị vì nó không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt nghĩa vụ của các bên.

Phụ lục hợp đồng thường có nội dung không được trái với hợp đồng chính. Nếu phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực.

Tuy nhiên, nếu hai bên thỏa thuận và chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với hợp đồng chính thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

Khi nào cần bổ sung phụ lục hợp đồng?

Nếu hợp đồng chính không phát sinh vấn đề gì, không có gì cần làm rõ hay sửa đổi, bổ sung nội dụng gì thì việc làm phụ lục hợp đồng không cần thiết.

Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng có thể phát sinh nhiều vấn đề mà các bên chưa lường trước được. Lúc này, thay vì kí lại hợp đồng với những thủ tục phức tạp thì 02 bên có thể thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng.

Chẳng hạn, muốn gia hạn hợp đồng thêm 02 tháng thì 02 bên sẽ không ký lại hợp đồng mà lập thêm một phụ lục gia hạn hợp đồng để thỏa thuận thời gian thực hiện hợp đồng.

Nếu hợp đồng chính có nội dung cần bổ sung, có thể lập phụ lục hợp đồng để thêm một vài điều khoản hợp đồng…

Nếu hợp đồng chính có nội dung sai sót, có thể lập phụ lục để bổ sung thêm các điều khoản nhằm sửa đổi hợp đồng chính.

Thông thường, hợp đồng không bắt buộc phải có phụ lục mà chỉ có trong hai trường hợp sau đây:

– Quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng.

– Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hợp đồng.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901