- Định nghĩa.
Theo quy định tại điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng vay tài sản được hiểu là:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”
Dưới góc độ dân sự thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay một số tiền hoặc tài sản để làm sở hữu. Hết hạn của hợp đồng bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia số tiền hoặc hiện vật tương đương với tiền hoặc vật đã vay, đồng thời trả thêm một số lợi ích vật chất nếu nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Đặc điểm pháp lí của hợp đồng vay tài sản.
- Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ: Xét về nguyên tắc, hợp đồng cho vay là đơn vụ đối với những trường hợp vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên cho vay. Bên vay không có quyền đối với bên cho vay. Tuy nhiên, đối với hợp đồng cho vay có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.
- Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đền bù hoặc không có đền bù: Nếu hợp đồng vay có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù. Nếu hợp đồng vay không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù.
- Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ bên cho vay sang bên vay, khi bên vay nhận tài sản. Vì vậy, bên vay có toàn quyền đối với tài sản vay, trừ trường hợp vay có điều kiện sử dụng.
3. Ý nghĩa của hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng vay tài sản có tác dụng giúp cho bên vay giải quyết những khó khăn kinh tế trước mắt, giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn khi thiếu vốn để sản xuất và lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người, nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hợp đồng vay tài sản trong nhân dân thường mang tính tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết những khó khăn tạm thời trong cuộc sống, trong sản xuất, kinh doanh.
4. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản.
Thông thường, đối tượng của hợp đồng vay tài sản là 1 khoản tiền. Tuy nhiên trong thực tế đối tượng còn có thể là vàng, kim khí, đá quý hoặc 1 số lượng tài sản khác. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản được chuyển từ bên cho vay sang bên vay làm sở hữu. Bên vay có quyền định đoạt tài sản vay. Khi hết hạn hợp đồng, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia một tài sản khác cùng loại với tài sản vay hoặc số tiền đã vay
5. Quy định về kỳ hạn của hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng vay tài sản có thể có hoặc không có kì hạn.
Đối với hợp đồng vay không có kì hạn thì bên vay có thể thực hiện hợp đồng vào bất cứ thời gian nào, bên cho vay không được từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay. Nếu trường hợp vay không kì hạn và có lãi thì chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ. (Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015)
Đối với hợp đồng vay có kì hạn, không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ khi nào, còn bên cho vay chỉ được đòi tài sản trước thời hạn nếu bên vay đồng ý. Còn trong trường hợp vay có kì hạn và có lãi thì bên vay phải trả tài sản và lãi đúng thời hạn, nếu bên vay trả tài sản trước thời hạn thì phải trả toàn bộ lãi theo kì hạn đã thỏa thuận. (Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015)
6. Hình thức của hợp đồng vay tài sản.
Hình thức của hợp đồng vay tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng vãn bản. Hình thức miệng thường được áp dụng trong những trường hợp như số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen. Trường hợp cho vay bằng miệng, nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng, bên cho vay phải chửng minh được là mình đã cho vay một số tiền hoặc một số tài sản nhất định. Trong thực tế, nếu hình thức của hợp đồng bằng miệng mà có tranh chấp thì rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Để làm cơ sở pháp lí cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, các bên cần phải kí kết hợp đồng bằng văn bản. Các bên có thể tự lập văn bản hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận văn bản đó.
7. Lãi suất và lãi trong hợp đồng vay tài sản.
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất giới hạn là 20%/năm của khoản vay. Trường hợp các bên cho vay vượt quá lãi suất quy định thì phần vượt quá không có hiệu lực, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất nhưng không cụ thể, nếu có tranh chấp thì tính bằng 10%/ năm của khoản tiền vay tương ứng với thời hạn.
Ngoài quy định về cách tính lãi suất trong hạn, Bộ luật dân sự quy định về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Mặt khác đối với khoản lãi chưa trả thì bên vay phải trả lãi suất bằng 50% mức lãi suất giới hạn/ khoản lãi chưa trả tương ứng với thời hạn chậm trả lãi. Quy định này thúc đẩy bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi đúng kì hạn, góp phần lành mạnh hóa thị trường tiền tệ.
8. Quyền và nghĩa vụ của các bên.
8.1. Bên cho vay
Nếu hợp đồng vay không kì hạn, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả tài sản và lãi (nếu có thoả thuận) bất cứ thời gian nào nhưng phải thông báo cho bên vay một thời hạn hợp lí. Hết thời hạn đó là hết hạn của hợp đồng và bên vay không trả nợ là vi phạm về thời hạn.
Đối với hợp đồng vay có kì hạn, khi hết hạn của hợp đồng, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả cho mình một số tiền, tài sản tương ứng với tiền, tài sản đã cho vay. Ngoài ra, nếu các bên có thoả thuận về lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu ttả tiền lãi như thoả thuận. Nếu hợp đồng cho vay có áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng bên vay không thực hiện đúng thời hạn thì bên cho vay có quyền xử lí tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như thoả thuận hoặc yêu cầu bán đấu giá để thực hiện nghĩa vụ. Bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng, chủng loại như thoả thuận cho bên vay. Nếu bên cho vay có ý lừa dối bên vay chuyển giao tài sản không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho bên vay thì phải bồi thường.
8.2. Bên vay
Là người cần đến sự giúp đỡ về vật chất của bên cho vay. Do vậy, khi hết hạn của hợp đồng, bên vay phải tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình phát sinh từ hợp đồng đã kí kết. Bên vay phải trả đủ tiền hoặc tài sản đã vay và tiền lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Nếu đối tượng hợp đồng là tài sản thì bên vay phải trả bằng tài sản cùng loại. Nếu hợp đồng cho vay không kì hạn, khi bên cho vay yêu cầu trả nợ thì bên vay phải thực thực hiện hợp đồng trong thời gian thoả thuận. Bên vay cũng có thể thực hiện hợp đồng bất cứ thời gian nào, thời điểm này được coi là thời điểm chấm dứt hợp đồng cho vay không kì hạn. Trường hợp các bên có thoả thuận về mục đích vay, bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản của bên vay có đúng mục đích như thoả thuận háy không. Nếu sử dụng tài sản không đúng mục đích đã thoả thuận, bên cho vay có quyền huỷ hợp đồng (Điều 467 Bộ luật Dân sự 2015).
Nếu hợp đồng có kì hạn mà bên vay trả nợ trước thời hạn thì phải trả toàn bộ nợ gốc và lãi của cả thời hạn vay trừ Trường hợp các bên có thoả thuận khác. Bởi vì khi cho vay, bên cho vay đã xác định trong thời gian cho vay đó không sử dụng tài sản, tiền vào mục đích khác, do vậy khi trả lại tài sản thì bên cho vay chưa có kế hoạch sử dụng tài sản đó. Hay nói cách khác bên cho vay sẽ bị động khi bên vay trả tài sản trước thời hạn (khoản 2 Điều 470 Bộ luật dân sự 2015).
9. Họ, hụi, biêu, phường
Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.”
Bản chất truyền thống của góp họ là những người chơi họ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Những hình thức chơi họ có tính chất lành mạnh được Nhà nước khuyến khích. Ngược lại, pháp luật cấm lời dụng hình thức này để nhằm mục đích cho vay nặng lãi.
