1. Cơ sở pháp lý.
Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu:
Căn cứ vào Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ thì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ chấm dứt trong một số trường hợp sau:
Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định; tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp; chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp; nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng.
Đối với nhãn hiệu tập thể thì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị chẩm dứt khi chủ văn bằng bảo hộ không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể
Đối với nhãn hiệu chứng nhận: Chủ văn bằng bảo hộ vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị chấm dứt.
Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu: Được quy định tại Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ trong trường hợp: Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với nhãn hiệu; đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ thì còn một trường hợp mà văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cũng có thể bị hủy bỏ. Đó là hủy bỏ do sự không trung thực của người nộp đơn.
2. Căn cứ.
Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu:
Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thường bị chấm dứt dựa trên cơ sở ý chí chủ quan của chủ sở hữu nhãn hiệu. Ví dụ như nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt khi chủ sở hữu không tiến hành gia hạn hoặc chủ sở hữu tuyện bố từ bỏ hoặc chủ sở hữu không sử dụng trong vòng 05 năm liên tiếp mà không có lý do chính đáng, …
Ngoài ra, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cũng có thể bị chấm dứt hiệu lực xuất phát từ những vi phạm của chủ sở hữu trong việc sử dụng, kiểm soát nhãn hiệu hoặc các yếu tố khách quan khác. Ví dụ như chủ sở hữu không còn tồn tại, hoặc chủ sở hữu không còn hoạt động kinh doanh hàng hóa mang nhãn hiệu nữa,…
Như vậy, căn cứ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu không xuất phát từ hành vi trái pháp luật của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại thời điểm đăng ký.
Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu:
Thường xuất phát từ hành vi trái pháp luật hoặc lỗi của người nộp đơn hoặc cơ quan thẩm định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Ví dụ: người nộp đơn không có quyền đi nộp nhưng họ vẫn cố tình nộp hay cơ quan thẩm định không thẩm định kỹ càng dẫn đến dù nhãn hiệu không đáp ứng điều kiện bảo hộ ngay từ thời điểm đăng ký tuy nhiên họ lại thẩm định sai và vẫn cấp văn bằng bảo hộ.
3. Hậu quả pháp lý.
Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu:
Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu vẫn có hiệu lực từ thời điểm cấp văn bằng cho đến khi có quyết định chấm dứt hiệu lực. Do đó, mọi giao dịch liên quan đến nhãn hiệu trước khi bị chấm dứt vẫn được coi là hợp pháp.
Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu:
Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ bị mất hiệu lực kể từ thời điểm được cấp, vì việc cấp này là do hành vi trái pháp luật hoặc lỗi của chủ sơ hữu nhãn hiệu hoặc cơ quan thẩm định. Chính vì vậy, khi đó mọi giao dịch liên quan đến nhãn hiệu này kể từ thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ đến thời điểm bị hủy bỏ đều bị coi là vô hiệu.
4. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu.
Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu:
Pháp luật hiện nay không có quy định về thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Bất kỳ thời điểm nào phát sinh căn cứ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì các chủ thể có quyền lợi liên quan đều có quyền yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu:
Hiện nay, tại khoản 3 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là 05 năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.
Như vậy, trong trường hợp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ do người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký hay do đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ thì thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực là 05 năm kể từ ngày được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Còn đối với trường hợp hủy bỏ hiệu lực do người nộp đơn không trung thực thì pháp luật hiện nay không yêu cầu thời hiệu. Do đó, thì các chủ thể có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được yêu cầu hủy bỏ bất cứ lúc nào.
