Hiện nay việc chấm dứt quan hệ lao động trở nên phổ biến và không tránh khỏi. Một trong những hành vi được kể đến của việc chấm dứt hợp đồng lao động đó là nghỉ ngang. Tuy nhiên, hành động nghỉ ngang này sẽ gây ra hệ lụy, những hậu quả pháp lý nhất định. Bài viết sau đây LUẬT CÔNG TÂM sẽ nói rõ về vấn đề này

Căn cứ pháp lý

  • Điều 35 Bộ luật lao động 2019
  • Điều 40 Bộ luật lao động 2019
  • Điều 62 Bộ luật lao động 2019
  1. Nghỉ ngang là gì?

Nghỉ ngang chính là hành vi tự ý bỏ việc, nghỉ làm nhưng không xin phép hoặc có xin phép nhưng chưa được sự đồng ý của cấp trên hay xin nhưng không tuân thủ đúng quy định về thời hạn báo trước.

2. Hậu quả pháp lý của việc nghỉ ngang?

Nghỉ ngang là câu nói của dân gian. Còn theo quy định của Bộ luật Lao động việc nghỉ ngang được gọi là hành vi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Theo Điều 40 Bộ luật lao động 2019 quy định “Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”

1. Không được trợ cấp thôi việc

2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước

3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này

Như vậy, theo quy định của Bộ luật lao động 2019, khi người lao động có hành vi nghỉ ngang sẽ phải chịu những hậu quả nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, không được nhận trợ cấp thôi việc

   Theo như Điều 46 Bộ luật lao động 2019 quy định thì:

  • Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ một nửa tháng lương
  • Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
  • Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Như vậy số tiền trợ cấp tuy không đáng kể, nhưng đó cũng xem như một phần tổn thất cho người lao động khi tự ý nghỉ ngang – đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Thứ hai, phải bồi thường cho người sử dụng lao động

Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật lao động 2019 thì thì khi người lao động nghỉ ngang sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động để bù đắp các tổn thất, cụ thể

  • Bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trong mọi trường hợp
  • Bồi thường một khoản tiền lương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước. Trong đó, thời hạn báo trước là:
  • Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn
  • Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng
  • Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Thứ ba, phải trả lại chi phí đào tạo

   Khoản tiền này chỉ áp dụng với người lao động được người sử dụng lao động đào tạo hoặc cử đi đào tạo trong quá trình làm việc.

   Số tiền phải trả lại khi người lao động tự ý nghỉ ngang bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền ssong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học.

   Ngoài ra, trong trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Đối với trường hợp nếu bạn đang làm cho công ty nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, …) thì khi bạn tự ý nghỉ ngang (đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật) sẽ được Công ty đó lưu lại về sau và nếu muốn tiếp tục xin vào công ty đó thì sẽ được xem là hồ sơ xấu, ảnh hưởng trong quá trình ứng tuyển của bản thân.

Có thể nói, hành vi nghỉ ngang hay còn gọi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ mang lại những hậu quả pháp lý không đáng có. Nên nếu muốn nghỉ việc thì người lao động có thể tiến hành thỏa thuận xin nghỉ hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên được trong quan hệ pháp luật lao động.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901