Có thể nói, thời hiệu của một quan hệ pháp luật chính là thời hạn do pháp luật điều chỉnh quan hệ đó quy định mà khi kết thúc thời hạn, sẽ làm phát sinh hay chấm dứt một quyền hoặc trách nhiệm pháp lý. Trong pháp luật hình sự cũng vậy, việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ giúp Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, … trong hoạt động điều tra và xét xử của mình.
- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cụ thể:
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng thời hạn do pháp luật hình sự quy định mà khi kết thúc thời hạn đó người phạm tội sẽ không chịu hình phạt nữa. Mặc dù tội phạm đó chính là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải bị trừng phạt, đáng lên án. Tuy nhiên không vì thế mà yếu tố quy định về thời hiệu lại bị bỏ qua.
2. Phân loại thời hiệu
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng loại tội phạm trong khoản 2 Điều 27 Bộ luật hình sự được quy định cụ thể:
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng
b) 10 năm đối với phạm nghiêm trọng
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng loại tội phạm cụ thể. Soi chiếu với Điều 9 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) ta có thể phân biệt được từng loại tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
- 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng: tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
- 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng: tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định với tội ấy là từ 03 năm đến 07 năm tù.
- 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng: tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù
- 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tu, tù chung thân hoặc tử hình.
3. Về thời điểm bắt đầu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc xác định được thời điểm bắt đầu tính thời hiệu có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và thực tiễn phòng chống tội phạm. Căn cứ theo Khoản 3 Điều 27 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
…
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Đồng thời pháp luật hình sự còn quy định rõ về độ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) để qua đó có thể dễ dàng hơn khi áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật có quy định khác.
2. Người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Ngoài ra, với một số tội phạm đặc biệt, có ảnh hưởng xấu đến xã hội, loài người thuộc nhóm tội phạm nguy hiểm nhất bao gồm nhiều loại tội phạm khác nhau thì thuộc vào Điều 28 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về việc không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể
Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
