1. Thẩm quyền đăng ký kết hôn

So với LHNGĐ 2000 thì LHNGĐ 2014 hướng tới quy định một cách khái quát hơn về thẩm quyền đăng ký kết hôn đề không chồng chéo với các quy định tại Luật hộ tịch 2014. Theo đó, thẩm quyền kết hôn được quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, thẩm quyền của UBND cấp xã. Theo Khoản 1 Điều 17 Luật hộ tịch 2014 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn”. Đồng thời, Điểm d Khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch 2014 quy định UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký hộ tịch trong trường hợp: “kết hôn của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam”. Như vậy, UBND cấp xã được thực hiện đăng ký kết hôn đối với các đối tượng là công dân Việt Nam với nhau và giữa công dân Việt Nam với công dân nước có cùng biên giới cư trú tại khu vực biên giới Việt Nam. Việc quy định thẩm quyền kết hôn thuộc về UBND nơi cư trú của người kết hôn tạo điều kiện thuận tiện để người kết hôn thực hiện việc đăng ký kết hôn, trên cơ sở đó quyền lợi của họ được pháp luật bảo vệ.

Thứ hai, thẩm quyền của UBND cấp huyện. Theo Khoản 1 Điều 27 Luật hộ tịch 2014 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài”. Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 27 Luật hộ tịch có quy định: “Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.”. Như vậy, UBND cấp huyện có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn đối với việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc với người nước ngoài. Đồng thời, để tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, UBND cấp huyện và có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn giữa hai người nước ngoài với nhau khi có yêu cầu.

Thứ ba, thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. Theo Khoản 3 Điều 7 và Điều 53 Luật hộ tịch 2014: “Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 của Luật này cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Theo đó, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật hộ tịch  quy định về việc kết hôn. Cơ quan đại diện theo Khoản 1 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 bao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam. Như vậy, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau hoặc với người nước ngoài nếu việc đăng ký đó không trái pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn

            Đối với việc đăng ký kết hôn trong nước, Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định cụ thể về việc đăng ký kết hôn trong nước và các giấy tờ cần phải xuất trình : “Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định”. Theo đó, người đi đăng ký kết hôn phải xuất trình các giấy tờ tùy thân bao gồm: bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân. Đặc biệt nếu đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã, hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn. Thời hạn giải quyết đối với cấp xã thường là trong ngày, trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày nếu cần xác minh điều kiện kết hôn làm việc. Nếu đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện, hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu theo Khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014, thời hạn giải quyết là không quá 15 ngày. Khi đăng ký kết hôn thành công, hai bên nam, nữ được nhận giấy chứng nhận kết hôn.

            Đối với việc đăng ký kết hôn tại đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, thủ tục đăng ký kết hôn quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

3. Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn

            Nam, nữ sống có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Như vậy, trong trường hợp này, hai bên nam nữ sẽ không được thừa nhận là vợ chồng. Theo quy định tại Điều 14,15,16,131 LHNGĐ 2014 và văn bản hướng dẫn quy định chi tiết về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết hậu quả việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký chia làm 3 trường hợp sau:   

Thứ nhất, nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không kết hôn trước ngày 03/01/1978: Theo khoản 2 Điều 44 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, quan hệ hôn nhân của trường hợp này được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Khi đó, nam nữ được khuyến khích và tạo điều kiện đăng ký kết hôn. Nếu có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình 2000.

Thứ hai, nam và nữ chung sống như vợ chồng không kết hôn từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001: Nam nữ sống chung với nhau trong trường hợp này mà nếu đủ điều kiện kết hôn nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng thì họ phải có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 đến hết ngày 01/01/2003. Sau ngày 01/01/2003 nếu nam nữ chưa đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng. Kể từ sau ngày 01/01/2003 mới đăng ký kết hôn quan hệ vợ chồng chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.

Thứ ba, nam và nữ chung sống như vợ chồng không kết hôn sau ngày 01/01/2003: Theo quy định Điều 9 Luật HN&GĐ 2014 thì trong thời gian này, bắt buộc nam, nữ phải đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền thì mới có giá trị pháp lý.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901