Đất đai được xem là nguồn lực tự nhiên quan trọng, có vai trò tất yếu trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và trở nên ngày càng phức tạp trong vấn đề quản lý và sử dụng. Xoay quanh trong thực tiễn quản lý hồ sơ địa chính, ngoài các vấn đề liên quan đến sổ đỏ còn có một loại giấy tờ còn gọi là sổ mục kê. Vậy sổ mục kê là gì? Sổ mục kê có vai trò như thế nào trong việc sử dụng đất đai? Bài viết sau đây sẽ làm rõ nội dung này.
- Sổ mục kê là gì?
Trước ngày 18/12/1980, các địa phương trong cả nước đã có sổ mục kê để ghi thông tin thửa đất nhưng không thống nhất. Vì lẽ đó, ngày 05/11/1981, Tổng cục Quản lý ruộng đất ban hành Quyết định 65/ĐKTK quy định thủ tục đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước và từ đó sử dụng mẫu sổ mục kê.
Tuy sổ mục kê đã được sử dụng từ rất lâu, nhưng mãi đến Luật đất đai 2003 mới có quy định giải thích cụ thể về sổ mục kê. Theo đó tại Khoản 5 Điều 4 Luật đất đai nêu rõ: “Sổ mục kê đất đai là sổ được lập cho từng đơn vị xã, phường, thị trán để ghi các thửa đất và các thông tin về thửa đất đó.”
Đến Luật đất đai 2013 thì không còn giữ quy định trên về việc giải thích sổ mục kê là gì. Thay vào đó, tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 25/2014 – BTNMT có quy định về sổ mục kê như sau: “Sổ mục kê đất đai được lập để liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã.”
Như vậy, có thể hiểu rằng Sổ mục kê là kết quả của việc điều tra, đo đạc địa chính, để tổng hợp các thông tin có thuộc tính của thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất gồm số hiệu tờ bản đồ, dấu hiệu thửa đất, diện tích, loại đất, tên người sử dụng và được người giao quản lý đất để phục vụ yêu cầu về việc quản lý đất đai.
2. Những thông tin được ghi trong sổ mục kê
Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Thông tư 20/2015/TT- BTNMT, thì sổ mục kê đất đai gồm có những nội dung như sau:
2. Nội dung sổ mục kê đất đai gồm số thứ tự bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính; số thứ tự thửa đất, đồi tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; tên người sử dụng, quản lý đất, mã đối tượng sử dụng, quản lý đất; diện tích; loại đất (bao gồm loại đất theo hiện trạng, loại đất theo giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất).
Theo đó, có thể nhận thấy rằng về mặt pháp lý thì sổ mục kê sẽ ghi nhận các thông tin về thửa đất, trong đó có tên ủa người sử dụng đất và người được giao quản lý đất. Đây được coi như là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét ai là người có quyền sử dụng đất và người đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể:
- Số thứ tự tờ bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính
- Số thứ tự thửa đất, đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất
- Tên người sử dụng, quản lý đất
- Mã đối tượng sử dụng, đối tượng quản lý đất; diện tích
- Loại đất (gồm loại đất theo hiện trạng, loại đất theo giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất)
Ngoài ra, khác hơn so với trước đây, hiện nay sổ mục kê được lập dưới dạng số, lưu giữ trong cơ sở dữ liệu đất đai và có in ra để phục vụ việc khai thác thông tin đất đai.
3. Giá trị pháp lý của sổ mục kê
Trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai việc xác định giá trị pháp lý của sổ mục kê rất quan trọng. Mối giai đoạn khác nhau thì sổ mục kê được các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định có phải là một trong những loại giấy tờ về quyền sử dụng đất hay không, cụ thể:
- Trước ngày 01/07/2014: Tại Công văn 1568/BTNMT – DKTKĐĐ ngày 24/5/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: “Sổ mục kê ddaaast cũng không được coi là một loại giấy tờ quyền sử dụng đất quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật đất đai” Công văn đã giải thích về việc sổ mục kể không được coi là giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai 2003 (nếu có giấy tờ này sẽ được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất) vì những thửa đất chưa cấp Giấy chứng nhận thì thông tin thửa đất đó thể hiện theo kết quả điều tra, đo đạc hiện trạng đang sử dụng mà chưa có giá trị pháp lý về quyền sử dụng đất.
- Từ ngày 01/7/2014 cho đến nay: Sổ mục kê lập trước ngày 18/12/1980 là một trong những loại giấy tờ về quyền sử dụng đất; khi có loại sổ này thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định sẽ được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất (theo khoản 1 Điều 100 Luật đất đai 2013 và khoản 1 Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)
Hiện nay, tuy chưa có quy định cụ thể để xác định giá trị pháp lý của sổ mục kê, nhưng soi chiếu các quy định trong Luật đất đai 2013 và các văn bản pháp luật liên quan có thể thấy rằng
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định:
Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất
…
g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định
Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai Các giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm:
1. Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.
Như vậy từ đó có thể xác định sổ mục kê có giá trị quan trọng: là căn cứ để cấp Giấy chứng nhận, xác định hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền sử dụng đất; căn cứ xác định người sử dụng đất ổn định, lâu dài khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.
