1. Khái niệm quyền về lối đi qua

Theo Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ

Như vậy, có thể hiểu Quyền về lối đi qua là quyền được mở một lối đi trên phần đất của chủ sở hữu bất động sản vây bọc để tạo lối đi qua cho chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc khi có đủ điều kiện theo quy định. Đây là quyền cần thiết, quan trọng trong trường hợp một bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản mà không có lối ra.

Trong số các quyền đối với bất động sản liền kề được Bộ luật dân sự quy định thì Quyền về lối đi qua là một quyền năng đặc biệt quan trọng, bởi lẽ một bất động sản phải luôn đi kèm với ít nhất là một chủ sử dụng, và ai cũng có nhu cầu về một lối để ra vào bất động sản của mình.

2. Điều kiện để được hưởng quyền về lối đi qua.

Theo quy định của Bộ luật dân sự cũ thì chủ sở hữu của bất động sản hưởng quyền sẽ có quyền về lối đi qua bất động sản liền kề khi không có lối đi ra đường công cộng, còn Bộ luật dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu của bất động sản hưởng quyền sẽ có quyền về lối đi qua bất động sản liền kề khi không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng. Trên thực tế việc không có lỗi đi thường ít xảy ra, hiếm thấy một bất động sản bị vây bọc hoàn toàn đến mức không có đường để con người ra vào. Sự mở rộng của Bộ luật dân sự năm 2015 là một quy định thực sự có ý nghĩa, có thể thấy trong hai trường hợp sau:

Thứ nhất, bất động sản bị vây bọc trước nay vẫn có lối ra vào dù nhỏ. Tuy nhiên, do sự kiện mới xuất hiện như xảy ra sạt lở hoặc sụp đổ công trình làm bít một phần lối đi đó khiến cho con người, xe cộ không thể ra vào, hoặc

Thứ hai, bất động sản bị vây bọc trước là nhà ở nhưng này được cho thuê làm nhà kho bến bãi, xe tải cần có lối ra vào mà lối đi vốn có – thì không đủ độ rộng. Đây là những trường hợp lối đi cũ vẫn tồn tại nhưng không đủ để đáp ứng mục đích mà nó được lập ra nên chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc có thể yêu cầu một lối đi qua bất động sản khác để thuận tiện cho việc ra vào bất động sản của mình.

3. Trách nhiệm đền bù

Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người có trách nhiệm đền bù là “chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua”. Việc sử dụng lối đi ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng đất của chủ sở hữu bất động sản liền kề. Chính vì vậy, Bộ luật dân sự 2015 phải đặt ra yêu cầu tại khoản 1 Điều 254 như sau:

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

4. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng của lối đi qua.

Tại khoản 2 Điều 254 BLDS 2015 có quy định:

Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thỉ có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định

Ngoài ra khoản 3 Điều 254 BLDS 2015 cũng quy định:

Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù

Như vậy, đối với bất động sản liền kề về việc xác lập lối đi địa dịch đặt ra khi một bất động sản bị vây bọc một cách bẩt đắc dĩ nên mới phải hạn chế bớt quyền của chủ sở hữu bất động sản vây bọc. Tuy nhiên, khi các bên đã có thể chủ động trong việc sử dụng đất thì việc dành ra một lối đi cho người phía trong cũng là vấn đề chủ động được, tạo điều kiện hợp lý cho việc sử dụng đất của họ. Lối đi trong trường họp này không đặt ra trách nhiệm đền bù.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901