“Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”
Tăng cường và đảm bảo tranh tụng trong xét xử có ý nghĩa quan trọng với việc đẩy mạnh dân chủ, công bằng, khách quan, dựa trên cơ sở pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Một trong những quyền của người bị buộc tội được quy định tại khoản 2 Điều 31 Hiến pháp 2013 là quyền được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Đồng thời, đó còn là một trong những giải pháp quan trọng, đặt ra yêu cầu đối với các Bên Công Tố (VKS) tự nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm để đáp ứng những đòi hỏi mới của quá trình tố tụng hình sự (TTHS). Sẽ không còn việc giữ nguyên quan điểm khi Kiểm sát viên không tranh luận được với người bào chữa hay VKS đề xuất gì thì Tòa xử thế.
Việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn,… để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục trong thời hạn luật định. Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên toà”.
Các nguyên tắc cơ bản trong TTHS, tố tụng dân sự (TTDS), tố tụng hành chính (TTHC) cũng đã ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo. Hiến pháp 2013 và các Bộ luật, Luật khi ghi nhận nguyên tắc tranh tụng đã đề cao trọng tâm là cải cách tư pháp là cải cách hệ thống Tòa án, đề cao quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng và sự bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ án của các chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của TTHS. Đó cũng là cơ sở nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của từng chủ thể, đáp ứng những đòi hỏi mới của quá trình cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động xét xử và thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo, cũng còn một số hạn chế, cản ngại, ảnh hưởng đến việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong đó nguyên nhân chủ yếu nằm trong nhận thức của một số người tiến hành tố tụng.
Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận nêu trên, đánh giá một cách thực chất, vẫn còn khoảng cách nhất định giữa chủ trương của Đảng, tinh thần và nội dung của nguyên tắc tranh tụng với thực tiễn xét xử.
Mặt khác, để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng, nội dung điều luật này quy định mọi chứng cứ giữa hai bên buộc tội và gỡ tội đưa ra đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Trong một số vụ án, sau khi xét hỏi, tranh luận và đối đáp đã phát sinh các chứng cứ mới nhưng bản án, quyết định của Tòa án chưa xem xét, đánh giá mà vẫn bảo lưu quan điểm buộc tội, dẫn đến tiềm ẩn phát sinh oan, sai trong tố tụng. Đối với một số vụ án tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, quá trình trưng cầu và ban hành kết luận giám định còn nhiều khác biệt, dẫn đến hiện vẫn tồn tại nhiều bản án có đánh gía khác nhau về xác định hậu quả thiệt hại vụ án vào thời điểm xảy ra sai phạm hay thời điểm khởi tố vụ án.
