1. Khái niệm động sản.
Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”
Như vậy, không có khái niệm cụ thể về việc động sản là gì mà Bộ luật Dân sự hiện nay dùng phương thức loại trừ để quy định về động sản. Bởi tài sản gồm động sản và bất động sản nên những tài sản không phải là bất động sản thì sẽ được coi là động sản.
Tuy nhiên có thể hiểu: Động sản là tài sản có thể chuyển dịch hoặc di dời từ nơi này sang nơi khác trong không gian nhất định mà vẫn giữ nguyên tính năng, công dụng. Ví dụ như: Xe ô tô, tiền, trái phiếu, thiết bị, máy móc…
2. Đăng ký quyền sở hữu.
Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.”
Như vậy, động sản là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền khác với tài sản ngoại trừ trường hợp pháp luật có quy định phải đăng ký và theo khoản 3 Điều 106 Bộ luật Dân sự thì việc đăng ký phải được thực hiện một cách công khai.
Trong đó, có thể kể đến một số loại động sản phải đăng ký như sau:
2.1. Xe ô tô, xe mô tô, xe máy, xe máy điện,…
Theo khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới phải đăng ký quyền sở hữu và gắn biển số xe do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp thì mới được tham gia giao thông.
Việc đăng ký quyền sở hữu xe cơ giới được thực hiện theo quy định của Thông tư 58/2020/TT-BCA.
2.2. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Khoản 21 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009 nêu rõ: “Bảo vật quốc gia phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”
Đồng thời, khoản 22 Điều 1 Luật này cũng khẳng định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.
2.3. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Khoản 1 Điều 9 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017 nêu rõ: “Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản theo đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.”
Theo đó, trước khi sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam, các động sản gồm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được đăng ký theo quy định…
3. Phân biệt động sản với bất động sản.
Thứ nhất, về đối tượng.
Bất động sản: Đối tượng được xếp vào là bất động sản có phạm vi khá hẹp. Theo khoản 1, điều 107 Bộ luật dân sự năm 2015 đã liệt kê các loại tài sản được xếp vào nhóm bất động sản gồm có: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài những tài sản kể trên, một số tài sản vô hình gắn liền với đất đai như quyền sử dụng đất, quyền thế chấp,… cũng được coi là bất động sản theo quy định trong pháp luật Kinh doanh Bất động sản.
Động sản: Đối tượng được xếp vào là động sản có phạm vi khá rộng.
Bộ luật dân sự năm 2015 không liệt kê như trường hợp bất động sản mà quy định: “ Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.
Thứ hai, về tính chất đặc thù.
Bất động sản là những tài sản không thể di dời được
Động sản là những tài sản di dời được.
Thứ ba, về đăng ký quyền tài sản.
Bất động sản: Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng kí theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và pháp luật về đăng kí tài sản.
Động sản: Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản không phái đăng kí, trừ một số trường hợp pháp luật quy định.
