1. Khái niệm.
Vô ý phạm tội là việc người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng lại tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc là nếu có xảy ra thì vẫn có thể ngăn ngừa được hoặc là người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Điều 11 BLHS có quy định về vô ý phạm tội như sau:
“Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”
Như vậy, có thể thấy, lỗi vô ý là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc trường hợp người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
2. Phân loại lỗi vô ý.
Từ quy định tại Điều 11 BLHS có thể phân loại lỗi vô ý thành hai loại: Vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả.
2.1. Vô ý vì quá tự tin.
Đây là lỗi trong trường hợp thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được vì vậy đã thực hiện hành vi gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Trên thực tế, hậu quả có thể xảy ra hoặc không. Trường hợp này, người phạm tội hoàn toàn không mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Ví dụ: Người lái xe tin rằng mình sẽ vượt qua đường sắt trước khi tàu đến
2.2. Vô ý do cẩu thả.
Đây là lỗi trong trường hợp gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội do không thấy trước hậu quả đó mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước được.
Để đánh giá được khả năng thấy trước hậu quả cũng cần phải xem xét trên nhiều yếu tố khác nhau như dựa vào chính khả năng của người phạm tội như trình độ, lứa tuổi, kinh nghiệm sống…; dựa vào hoàn cảnh khách quan về không gian, thời gian, vị trí địa lý…
Khi xác định người phạm tội có lỗi vô ý vì cẩu thả cần chú ý, trong một số hoạt động có tính chất chuyên môn, sự hiểu biết về các quy tắc bảo đảm an toàn đòi hỏi phải có sự hướng dẫn, học hỏi nhất định. Do vậy, việc xác định các đặc điểm chủ quan của người phạm tội về trình độ nghiệp vụ là điều kiện cần thiết để xác định người phạm tội có lỗi vô ý vì cẩu thả.
Ngoài ra, việc thực hiện hành vi phạm tội phải thấy trước được hậu quả chỉ có thể được áp dụng đối với những mối quan hệ chung, phổ biến mà ở đó đã hình thành một quy tắc xử sự, ai cũng phải tuân theo.
Ví dụ: A vứt que diêm cháy dở sau khi châm thuốc ngay chỗ bơm xăng dẫn đến gây hoả hoạn.

[…] Trích nguồn: … […]