Theo quy định tại Điều d Khoản 1 Điều 8 LHNGĐ 2014, một trong những điều kiện kết hôn là việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của LHNGĐ bao gồm.

1. Cấm kết hôn giả tạo.

Theo Khoản 11 Điều 3 LHNGĐ 2014: “Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.”. Kết hôn giả tạo là một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 LHNGĐ do việc kết hôn này không đảm bảo được mục đích của kết hôn là dựa trên sự tự nguyện khi nam nữ có tình cảm với nhau và muốn xác lập quan hệ vợ chồng để xây dựng gia đình. Khi kết hôn giả tạo, các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, hai bên nam nữ có thể không chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích. Như vậy, kết hôn giả tạo nhằm mục đích gì cũng đều đều bị cấm và cũng được quy định là điều kiện kết hôn.

2. Cấmtảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn.

Điểm b khoản 2 Điều 5 LHNGĐ thì việc kết hôn theo hình thức tảo hôn hoặc kết hôn do bị cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn đều bị cấm. Do đó, điều kiện để hai bên nam nữ kết hôn là không được thuộc vào các trường hợp này bởi tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 LHNGĐ và cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn là sự vi phạm nguyên tắc kết hôn tự nguyện.

3. Cấm kết hôn đối với người đang có vợ, có chồng hoặc cấm người chưa có vợ, có chồng kết hôn với người đang có vợ, có chồng.

Điểm c Khoản 2 Điều 5 LHNGĐ 2014 cấm kết hôn trong trường hợp: “đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Theo đó, có thể hiểu rằng những người đang có vợ, có chồng thì không được kết hôn với nhau và cũng bị cấm kết hôn với những người không có vợ, có chồng. Người đang có vợ hoặc có chồng được hiểu là người đã kết hôn theo đúng quy định của LHNGĐ về điều kiện kết hôn, đã đăng ký kết hôn và quan hệ hôn nhân chưa bị chấm dứt do ly hôn hoặc do một bên vợ, chồng đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bế là đã chết. Điều kiện kết hôn này xuất phát từ bản chất chế độ hôn nhân một vợ một chồng và nhằm mục đích xóa bỏ chế độ đa thê, phù hợp với thực tiễn xã hội và bảo đảm quyền và lợi ích của người vợ, người chồng.

4. Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Điểm d Khoản 2 Điều 5 LHNGĐ 2014 cấm: “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. Trong đó, người có cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau nên có thể là cha mẹ với con, ông bà với cháu,…; người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Xét về mặt khoa học, việc kết hôn gần gũi về huyết thống trong phạm vi trực hệ hoặc ba đời sẽ để lại nhiều di chứng cho thế hệ đời sau. Xét về mặt đạo lý, việc kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần gũi sẽ làm đảo lộn trật tự gia đình và từ đó ảnh hưởng đến xã hội. Vì vậy, quy định cấm kết hôn đối với những người có cùng dòng máu là một điều kiện thiết yếu của kết hôn.

5. Cấm kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Những đối tượng bị cấm kết hôn với nhau nói trên được quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 5 LHNGĐ 2014 và quy định này có sự mở rộng hơn về đối tượng. Cụ thể, LHNGĐ 2014 quy định cả những người “đã từng” là cha mẹ nuôi và con nuôi và một số đối tượng khác như cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể. Tuy xét về mặt huyết thống thì những người nói trên không có quan hệ huyết thống (trừ trường hợp cô, dì, chú, bác, cậu ruột nhận nuôi cháu) nhưng việc quy định và mở rộng phạm vi như vậy để phù hợp với đạo đức xã hội và ngăn chặn được những trường hợp lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc để ép đối phương kết hôn với mình.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0972810901