- Khái niệm
Nam nữ chung sống như vợ chồng trái pháp luật là việc nam, nữ chung sống với nhau không đăng ký kết hôn, đồng thời vi phạm điều kiện kết hôn đúng pháp luật.
Cụ thể như sau: Một là, chung sống như vợ chồng khi một bên hoặc cả hai bên dưới tuổi luật định. Hai là, chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ mà một bên hoặc cả hai bên đang có vợ, chồng. Ba là, chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
2. Cách thức xử lý trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng trái pháp luật
2.1. Quan hệ nhân thân.
Các quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ chồng sẽ không được LHNGĐ bảo vệ trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đặc biệt là khi việc chung sống đó trái pháp luật. Trong quan hệ chung sống thì đại diện giữa vợ và chồng theo pháp luật không được đặt ra trong trường hợp này, cũng như giữa họ không phát sinh vấn đề như thừa kế di sản của nhau hay nghĩa vụ cấp dưỡng. Do đó, Tòa án sẽ tuyên bố chấm dứt hành vi chung sống trái pháp luật đó.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con.
Điều 15 LHNGĐ quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn như sau: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”
Theo đó, nghĩa vụ và quyền của cha mẹ với con được quy định rõ trong LHNGĐ. Quan hệ giữa cha mẹ và con phát sinh dựa trên sự kiện sinh đẻ và nuôi dưỡng. Chính vì vậy, dù đứa trẻ đó được sinh ra từ quan hệ chung sống như vợ chồng trái pháp luật thì vẫn được đối xử bình đẳng như con được sinh ra qua các quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Do đó, sau khi hành vi chung sống trái pháp luật chấm dứt thì việc nuôi con sẽ do hai bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giao cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con, con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ do mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con. Con từ đủ 7 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con. Người không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng khi con chưa thành niên hoặc đã thành niên mà mất khả năng lao động.
2.3. Quan hệ tài sản
Hiện nay, LHNGĐ 2014 đã dành một điều luật riêng để quy định về việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tại Điều 16. Cụ thể như sau: quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam nữ chung sống với nhau trái pháp luật được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận thì giải quyết theo BLDS về sở hữu chung và phân chia sở hữu chung hoặc theo pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và con thì khoản 2 Điều 16 LHNGĐ có quy định việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Đối với công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung thì cũng được coi như lao động có thu nhập. Quy định này hoàn toàn hợp lý vì khi chấm dứt việc chung sống trái pháp luật thì phụ nữ là người chịu thiệt thòi nhiều hơn.
