Án oan sai là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền con người, đến tình hình kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công lý.
Nguyên nhân gây ra oan sai là do chưa tập trung vào tôn trọng, chứng minh sự thật khách quan, đặc biệt là xem xét đánh giá chứng cứ, trọng cung hơn chứng cứ, trong đó có thiếu sót ngay trong công tác tố tụng, chỉ tập trung thu thập lời khai của người bị hại nhân chứng, nhưng chưa chú trọng công tác khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, một số vấn đề trong tố tụng… Về nguyên nhân chủ quan, cơ bản là do năng lực, phẩm chất, đặc biệt là trách nhiệm không tuân thủ theo quy trình điều tra, một số do nôn nóng vì nặng về thành tích. Chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan Tư pháp
Phòng, chống oan sai là một chủ trương quan trọng, nhất quán của Đảng ta đặt ra cho công tác tư pháp. Đó là “Đối với người phạm tội phải xử lý chính xác, nghiêm minh, kịp thời… bắt, giam giữ đúng pháp luật và xét xử đúng người, đúng tội; chấm dứt tình trạng bắt oan người vô tội; không trấn áp tràn lan, đồng thời không để lọt tội phạm…”.
Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn, những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục”.
Điều đáng tiếc là vẫn còn để xảy ra một số vụ án oan, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan Tư pháp. Đơn cử vụ Nhiên – Tỏ ở Hậu Giang, vụ Nguyễn Sỹ Lý ở Nghệ An… và gần đây là vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang (đã bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị tái thẩm, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy án để điều tra lại). Ngoài ra, còn một số vụ án mặc dù đã xét xử và bản án đã có hiệu lực nhưng người bị kết án đang có nhiều đơn thư khiếu nại, kêu oan như vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) v.v… Việc xác định người bị kết án bị oan chỉ xảy ra sau một thời gian dài kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật. Vấn đề đặt ra là tại sao trong các vụ án đã phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục tố tụng; nhiều cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử; giữa các cơ quan này đều có quyền hạn thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kiểm tra lẫn nhau; việc xét xử các bị cáo này diễn ra công khai … nhưng vẫn bị oan?
Nhiều vụ án chỉ có lời nhận tội của bị can, bị cáo mà không có chứng cứ khác để đối chứng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sử dụng để buộc tội vì cho rằng “bản thân bị cáo thừa nhận kia mà” v.v… Để xảy ra tình trạng này trước hết vì pháp luật khi quy định như trên nhưng không kèm theo các chế tài của các vi phạm này đối với việc giải quyết vụ án. Chúng tôi cho rằng, cần có các quy định pháp luật nêu rõ hậu quả pháp lý trong việc giải quyết vụ án đối với những vi phạm, nhất là vi phạm về thủ tục tố tụng, vi phạm trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Quá trình giải quyết vụ án “oan” cũng như bất kể vụ án nào, điều quan trọng đầu tiên là các cơ quan tố tụng phải thu thập được đầy đủ chứng cứ để xác định có sự việc phạm tội xảy ra, có người thực hiện hành vi phạm tội, diễn biến của quá trình phạm tội, hậu quả của tội phạm v.v… Việc thu thập chứng cứ phải đúng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Những chứng cứ nào thu thập được bằng các biện pháp, thủ tục trái pháp luật thì phải bị coi là không có giá trị pháp lý. Chính vì hiện nay pháp luật không có quy định những loại chứng cứ nào thì không có giá trị pháp lý, không được sử dụng để chứng minh về tội phạm nên dẫn đến tình trạng việc sử dụng, đánh giá chứng cứ không nhất quán, không nghiêm. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan có thể dẫn đến việc làm oan.
Chúng tôi cho rằng cần tăng cường hơn nữa vai trò của người bào chữa ngay từ những giai đoạn đầu, những thủ tục tố tụng đầu tiên. Bất cứ hoạt động tố tụng nào mà có sự tham gia của nhiều “bên” với chức năng giám sát lẫn nhau sẽ có khả năng mang tính khách quan cao hơn.
Hãy liên hệ với Luật Công Tâm để được tư vấn chi tiết.
Hotline : 097.281.0901 – 0387003455
Email : luatsuluatcongtam@gmail.com Website: luatcongtam.com.vn https://www.youtube.com/channel/UCkEnuxL_V_oaCpAde-Eco7A?view_as=subscriber
https://www.facebook.com/tuvanphapluatso1/