Các hoạt động tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đều hướng đến mục đích chung là làm rõ có tội phạm hay không và người bị buộc tội có thật sự phạm tội  hay không. Muốn vậy, phải xác định sự thật của vụ án.

Theo điều 15 BLTTHS năm 2015, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm, để thực hiện trách nhiệm này, họ được sử dụng và chỉ được sử dụng các biện pháp hợp pháp, do BLTTHS quy định để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Điều 15. Xác định sự thật của vụ án

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Nội dung của nguyên tắc xác định sự thật của vụ án bao gồm những nội dung cơ bản sau:

– Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, đây là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Về bản chất, ai buộc tội thì người đó phải chứng minh. Trách nhiệm chứng minh tội phạm là trách nhiệm của những chủ thể buộc tội (Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát) mà không phải là của chủ thể bị buộc tội – người bị buộc tội. Tòa án không phải là chủ thể buộc tội nhưng điều luật quy định Tòa án cũng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm của Tòa án cần được hiểu là Tòa án phải chứng minh được quyết định trong bản án kết tội của Tòa án: tại sao Tòa án lại tuyên bị cáo có tội, có tội theo điều khoản nào của BLHS.

– Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị can, bị cáo có quyền đưa ra những chứng cứ, chứng minh mình vô tội hoặc làm giảm trách nhiệm hình sự cho mình. Đó là quyền của bị can, bị cáo, họ không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa trên cơ sở những chứng cứ đã thu thập được để xem xét, xác định sự thật vụ án.

– Để có đủ cơ sở giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của một vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng hoặc những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo:

+ Xác định sự thật vụ án một cách khách quan tức là phải xác định nội dung vụ án đúng với các tình tiết của vụ án như thực tế đã diễn ra trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được, không được định kiến, suy diễn theo ý chủ quan.

+ Xác định vụ án một cách toàn diện có nghĩa là phải xác định cả những tình tiết buộc tội và tình tiết gỡ tội, cả những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, không được thiên vị, định kiến, chỉ thu nhập những chứng cứ buộc tội, những chứng cứ về những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo hoặc ngược lại.

+ Xác định vụ án hình sự một cách đầy đủ có nghĩa là phải xác định tất cả các tình tiết liên quan đến việc xác định tội danh, quyết định hình phạt hay chỉ là những tình tiết khác có ý nghĩa tương đối với việc giải quyết vụ án hình sự (ví dụ: mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị cáo…)

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660