Có thể hiểu một cách chung nhất, oan trong tố tụng hình sự là việc một người trên thực tế không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không cấu thành tội phạm nhưng đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tố tụng hình sự là quá trình tiến hành giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Quá trình đó bao gồm nhiều hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án; của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, của người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Nhiệm vụ, mục đích của hoạt động tố tụng hình sự là phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Tuy nhiên, hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, hoạt động thi hành công vụ của các cơ quan nhà nước nói chung trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không tránh khỏi những sai sót hay những sai phạm nhất định dẫn tới làm phát sinh thiệt hại.
Trong tố tụng hình sự, việc giải quyết vụ án sai là trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật. Nói cách khác, “sai” trong tố tụng hình sự được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không đúng với quy định của pháp luật, không đáp ứng được yêu cầu khách quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm và phạm vi của “oan” như sau:
– Thứ nhất, “oan” là trường hợp người không thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giam, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nội hàm của khái niệm này chỉ ra rằng chỉ những người bị giữ, bị bắt, tạm giam, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng sau đó được xác định rằng họ không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của họ không cấu thành tội phạm mới được xác định là “oan”.
– Thứ hai, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà được coi là bị oan là người hoàn toàn không có hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm luật hình sự và các ngành luật khác: hành chính, lao động, dân sự, kinh tế…).
– Thứ ba, người bị bắt, người bị tạm giữ oan là người thực tế không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự; còn các hành vi vi phạm khác như vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đối với người bị tạm giam, bị thi hành án oan là những người có hoặc không có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, đã được các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không phạm tội do không cấu thành tội phạm hoặc được tòa án tuyên bố không phạm tội.