“Bào chữa là dùng lời lẽ, chứng cớ để bênh vực một việc”.
Quyền bào chữa là một trong những nội dung cơ bản của quyền được xét xử công bằng – một lĩnh vực cơ bản của quyền con người trong tố tụng hình sự; việc đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự có vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm quyền con người, một tiêu chí cơ bản trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp. Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạọ điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa.
BLTTHS 2015 đã quán triệt tinh thần Hiến pháp năm 2013, ghi nhận các nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, suy đoán vô tội và tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, có thể nhận thấy một trong những vấn đề trọng tâm trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003 là phải làm rõ được mô hình và cơ chế tố tụng hướng đến việc bảo đảm yêu cầu cấp bách, kịp thời, minh bạch, khách quan của công cuộc phòng, chống tội phạm, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền con người, dân chủ hóa hoạt động TTHS và được ghi nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự tại Điều 16 BLTTHS năm 2015.
Với tư cách là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự chi phối, tác động đến toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nội dung của nguyên tắc được thể hiện cụ thể tại Điều 16 của BLTTHS năm 2015: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”.
Theo đó, nguyên tắc này gồm có ba nội dung cụ thể là bảo đảm quyền bào chữa, bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.