Để hạn chế án oan – sai trong tố tụng hình sự, điều trước tiên các cơ  quan tiến hành và những người tiến hành tố tụng là phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện đúng luật đảm bảo đầy đủ các quyền của người bị buộc tội trong quá trình giải quyết vụ án.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định quyền của người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được nhận đầy đủ các lệnh, quyết định tố tụng bao gồm: quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội bên cạnh quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến như trước đây; đưa ra chứng cứ bên cạnh việc đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu như trước đây; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá (các Điều 58, 59, 60, 61). Bộ luật bổ sung cho bị can quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu; đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật (Điều 60).

Bộ luật bổ sung cho bị cáo quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý (Điều 61).

Các quy định mới bổ sung nhằm bảo vệ đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành vẫn chưa đảm bảo quyền của người buộc tội, vẫn còn tình trạng người bị buộc tội phải khiếu nại, kiến nghị hoặc phải “xin” được nhận quyết định tố tụng mà lẽ ra cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động giao cho họ để đảm bảo việc minh bạch trong tố tụng, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của công dân trong tố tụng hình sự.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660