1. Khái niệm.

Quy trình giải quyết vụ án hình sự có 7 bước hay 7 giai đoạn. Tuy nhiên, mcó nhiều vụ án hình sự sẽ không trải qua đầy đủ cả 7 giai đoạn mà thường sẽ qua 5 giai đoạn cơ bản là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Truy tố là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó viện kiểm sát tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm đưa bị can ra trước toà án để xét xử hoặc ra những quyết định tố tụng khác để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Ở Việt Nam hiện nay, việc truy tố người phạm tội ra trước tòa thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố để ra một trong ba quyết định sau:

– Truy tố bị can trước Tòa án

– Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung

– Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can

2. Phân biệt truy tố và khởi tố.

2.1. Khái niệm.

Khác với truy tố. Khởi tố được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoặc khởi tố bị can khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.

2.2. Thẩm quyền.

Truy tố: thẩm quyền thuộc về Viện kiểm sát. Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án. Khi đó, tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan các tài liệu của vụ án hình sự do Cơ quan điều tra chuyển đến, xác định các căn cứ pháp lý để ra quyết định cần thiết.

Khởi tố: thẩm quyền có thể thuộc các cơ quan khác nhau, bao gồm: Cơ quan điều tra; viện kiểm sát; hội đồng xét xử; các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Khi đó, cơ quan tư pháp hình sự tiến hành điều tra và xác định các dấu hiệu của tội phạm trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không.

2.3. Thời điểm thực hiện.

Thời điểm thực hiện việc truy tố là sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố rồi gửi cùng hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện thẩm quyền truy tố.

Còn đối với khởi tố thời điểm thực hiện là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự, trong giai đoạn này cơ quan tư pháp hình sự sẽ tiến hành điều tra và xác định các dấu hiệu của tội phạm trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

2.4. Thời hạn ra quyết định.

Đối với truy tố:

Theo quy định tại Điều 240 BLTTHS, thời hạn ra quyết định truy tố là 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với khởi tố:

Theo quy định tại Điều 147 BLTTHS thì thông thường thời hạn khởi tố là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

2.5. Kết quả.

Truy tố: Viện kiểm sát ra một trong các quyết định

– Truy tố bị can trước Tòa án;

– Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

– Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Khởi tố: Cơ quan có thẩm quyền ra một trong các quyết định:

– Khởi tố vụ án hình sự;

– Không khởi tố vụ án hình sự;

– Tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

By Tâm

2 thoughts on “Truy tố là gì, phân biệt giữa truy tố và khởi tố”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660