Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bên cạnh những tình tiết như phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, phạm tộ có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội 02 lần trở lên theo Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS)
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là gì?
Hướng dẫn của Nghị quyết về “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” được hiểu là người phạm tội cố ý 05 lần thực hiện tội phạm trở lên và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Trong thực tế, chứng minh được bị cáo 05 lần phạm tội là không khó nhưng chứng minh bị cáo lấy các lần phạm tội đó làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính là rất khó.
Căn cứ Điều 52 BLHS có quy định:
“Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội 02 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”
Ngoài ra, tình tiết Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp còn có thể là tình tiết định khung.
Ví dụ như tội môi giới hối lộ theo Điều 365 BLHS:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”
Cách xác định phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn chính thức nào về việc xác định phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là gì mà chỉ có hướng dẫn cụ thể ở một số tội phạm. Trước đây, theo Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP, Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (hai văn bản này đã hết hiệu lực), phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội thỏa mãn hai điều kiện:
– Là người phạm tội cố ý 05 lần thực hiện tội phạm trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích);
– Và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Theo đó, người phạm tội khi thực hiện tội phạm mà thỏa mãn hai yếu tố trên thì được coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
Như vậy, BLHS quy định tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm, hoặc có thể là tình tiết định khung tội phạm. Tùy thuộc vào tội phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà tình tiết này có thể làm căn cứ để quyết định mức phạt cuối cùng của người phạm tội hoặc là căn cứ để xác định khung hình phạt của tội phạm.
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.