Chứng minh trong tố tụng hình sự là quá trình tổng hợp của các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Trong đó, thu thập chứng cứ là hoạt động đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự.
Chứng cứ quan trọng như thế nào?
Nếu không có thu thập chứng cứ, thì cũng không có kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Điều đó lý giải tại sao vấn đề thu thập chứng cứ luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập pháp khi xây dựng hệ thống các chế định tố tụng hình sự.
Phát hiện, thu thập chứng cứ là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền nhằm tìm ra và thu giữ những sự kiện, sự vật thuộc nguồn chứng cứ theo đúng trình tự, thủ tục luật định, để từ đó khai thác những sự kiện, sự vật này làm cơ sở cho việc chứng minh tội phạm. Vật chứng là một dạng tồn tại của chứng cứ, vì vậy việc thu thập vật chứng cũng mang những yêu cầu giống như hoạt động thu thập chứng cứ nói chung.
Thu thập chứng cứ của Luật sư ra sao?
Liên quan đến hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã khắc phục thiếu sót của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 bằng việc quy định các hoạt động cụ thể mà Luật sư được thực hiện để thu thập chứng cứ như:
(1) Tự thu thập, đưa ra chứng cứ;
(2) Gặp người mà mình bào chữa, gặp bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án;
(3) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa;
(4) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập các chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa trong trường hợp không thể tự thu thập được.
Bên cạnh đó, Thông tư số 46/2019/TT-BCA của Bộ công an ban hành ngày 10/10/2019 “Quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của:
Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã;
Người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự;
Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố” cũng đã đề cập đến quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật của người bào chữa và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án khi xem xét, đánh giá, sử dụng vật chứng do người bào chữa cung cấp, cũng như các thủ tục, quá trình tiếp nhận các chứng cứ, tài liệu này.
Các quy định nói trên đã phần nào khẳng định vai trò và vị thế của Luật sư khi tham gia vào giải quyết vụ án hình sự, tạo cơ sở pháp lý cho Luật sư trong việc thu thập chứng cứ và đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải cẩn trọng, khách quan hơn trong việc đánh giá và sử dụng các chứng cứ do Luật sư thu thập, cung cấp.
Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về hoạt động thu thập chứng cứ của các chủ thể có thẩm quyền, đối với hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan, người tiến hành tố tụng (khoản 1, Điều 88) quy định rõ:
“Để thu thập chứng cứ… có quyền tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;…” trong khi đó, đối với hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa, chỉ quy định “… quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án;…”
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.comĐịa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.
Your article helped me a lot, is there any more related content? Thanks!