Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có rất nhiều con số cho thấy bóng ma oan, sai lẩn quất trong tất cả các khâu của tố tụng hình sự. Mỗi người dân bị xử oan, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử làm sai là một lần thua cuộc của cả nền tư pháp, công lý phải bẽ bàng. Chỉ khi mỗi số phận con người đều được tôn trọng, nền tư pháp cẩn trọng trước từng công dân thì lúc đó mới có cơ hội tránh được oan sai, công lý mới được thực thi.
Nhìn bề ngoài, 71 trường hợp oan sai được phát hiện chiếm tỉ lệ nhỏ trong các vụ được điều tra, truy tố, xét xử, khiến không ít người bảo không nhiều. Nhưng chỉ cần hai phát biểu tại nghị trường cũng cho thấy bàn chuyện nhiều – ít là vô nghĩa: “Oan sai chỉ cần một vụ cũng đã rúng động xã hội rồi”, “Làm oan một người mà tử hình chẳng hạn thì còn nói gì nữa”.
Hệ lụy từ những năm tháng tù oan không thể bù đắp: tự do, danh dự, cuộc sống, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản người bị oan, của người thân quen, những mất mát về tinh thần, tình cảm. Và còn bao nhiêu người bị oan sai chưa có cơ hội, điều kiện để kêu oan, thậm chí không dám kêu oan?
Tình hình oan sai dai dẳng trong tố tụng hình sự đã khiến Quốc hội phải xem xét lại một loạt đạo luật thuộc lĩnh vực hình sự như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam…Những vụ oan, sai và rủi ro xảy ra oan, sai phần lớn xuất phát từ những điểm bất ổn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Đã nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội chỉ ra những quy định chung chung, định tính của Bộ luật hình sự, dẫn đến khó khăn hoặc tùy tiện trong áp dụng như: “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”, “động cơ cá nhân khác”, tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm”…
Không ít quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần được sửa đổi: chưa làm rõ nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng tại phiên tòa; chưa bảo đảm đầy đủ quyền bào chữa của người bị buộc tội; bất ổn trong các quy định về chứng cứ, đánh giá, sử dụng và loại trừ chứng cứ, chủ thể thu thập chứng cứ.
Nhiều thủ tục còn rườm rà, phức tạp, thời hạn tố tụng chưa hợp lý; căn cứ bắt, tạm giữ, tạm giam chưa chặt chẽ… gây khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Những điểm yếu kém về năng lực, phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm công vụ của nhiều điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán gây hậu quả khôn lường đến mức nào cho người dân, xã hội? Nhiều trường hợp việc xử lý cán bộ mắc sai phạm không nghiêm, được bao che; có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chỉ khi báo chí lên tiếng mới đưa ra xử lý.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng oan, sai diễn ra trong tất cả các khâu. Vì vậy phải giám sát, kiểm tra chéo nhau và kiểm soát từ bên ngoài. Như một đại biểu Quốc hội nhận xét: “hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan, sai”, hệ thống kiểm tra chéo giữa ba cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án có tình trạng nể nang “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”.
Tình trạng ba cơ quan thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử đã khiến cho việc kiểm tra và việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu. Nói một cách tổng quát, các cơ quan tư pháp đang “thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau”.
Vai trò và quyền hạn của luật sư được tôn trọng và đảm bảo là một trong những cách quan trọng để giảm oan, sai trong tố tụng hình sự. Nhưng số lượng luật sư tính trên đầu người rất thấp, gần 80% vụ án hình sự hiện nay chưa có luật sư tham gia nên khó bảo đảm tranh tụng để tránh oan, sai. Bản thân việc tham gia tố tụng của luật sư cũng gặp nhiều khó khăn.
Rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm: tăng khả năng chứng minh, thu thập chứng cứ chứng minh của bị can, bị cáo và luật sư bào chữa; bảo đảm sự có mặt của luật sư…
Tòa án phải là chốt chặn, “soi” ra những sai phạm của các khâu trước đó, là nơi cuối cùng người dân bấu víu, viện cầu công lý khi bị oan. Để làm được như vậy, cần tới rất nhiều cải cách. Sự chính đáng và tốt đẹp của việc đưa mô hình tố tụng tranh tụng vào thực tiễn xét xử ở Việt Nam đã được giới luật sư lên tiếng.
Pháp luật Việt Nam cũng đã yêu cầu: khi nghị án, hội đồng xét xử “chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa”. Thế nhưng cho đến giờ, Quốc hội vẫn phải lên tiếng: thẩm phán, kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”, chưa coi trọng “án tại phiên tòa”; vẫn chủ yếu thực hiện thẩm vấn và hồ sơ vụ án.
Người đứng đầu ngành tòa án đã cam kết trước Quốc hội rằng tới đây, tòa án sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội, quyền tư pháp của tòa án. Người dân chờ xem cam kết này sẽ được thực hiện trên thực tế như thế nào.
Cuối cùng (nhưng thật ra là trước hết), cần sửa cái đầu, vì mọi hành động xuất phát từ tư duy, nhận thức.
Một khi tư duy của nhiều người làm trong ngành tư pháp hình sự còn có xu hướng nặng về buộc tội, “tồn tại quan điểm và thói quen suy đoán có tội, dấu ấn của tư duy địch – ta thời chiến”, khi mà người ta tính tỉ lệ oan, sai “không phẩy không không mấy phần vạn”, viện dẫn những vụ oan sai tày đình trong lịch sử, thậm chí cả sự tích chỉ để biện luận rằng oan, sai thời nay là “rất nhỏ” thì oan, sai sẽ còn ám ảnh.
Chính sách hình sự ở Việt Nam đã chuyển từ yêu cầu không bỏ lọt tội phạm sang chú trọng tránh gây oan người vô tội. Hiến pháp 2013 cũng khẳng định luật pháp phải bảo vệ quyền con người, của công dân, các cơ quan tư pháp phải bảo vệ công lý. Đây là tư tưởng dẫn đường để tránh làm sai, tránh oan khiên cho người dân. Chỉ có điều tư duy này chưa ngấm trong nhiều nhà chức trách.
Hãy liên hệ với Luật Công Tâm để được tư vấn chi tiết.
Hotline : 097.281.0901 – 0387003455
Email : luatsuluatcongtam@gmail.com Website: luatcongtam.com.vn https://www.youtube.com/channel/UCkEnuxL_V_oaCpAde-Eco7A?view_as=subscriber
https://www.facebook.com/tuvanphapluatso1/