Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự. Trong đời sống xã hội hiện nay giao dịch dân sự thông qua hình thức hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương ngày càng thông dụng và phổ biến, tuy nhiên để các giao dịch dân sự này có hiệu lực thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật dân sự. Kế thừa những điều kiện cơ bản của BLDS năm 2005, khoản 1 – Điều 117 BLDS năm 2015 quy định các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

a. Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
c. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

     Các điều kiện đã được quy định tại khoản 1 – Điều 117 BLDS là những chuẩn mực pháp lý chung phải được các chủ thể tham gia giao dịch tuân theo một cách tuyệt đối khi thực hiện giao dịch, nếu thiếu một trong ba điều kiện trên thì giao dịch dân sự đó có thể bị vô hiệu, có ba điều kiện bao gồm:

     Thứ nhất, về chủ thể thực hiện giao dịch, như đã phân tích ở trên chủ thể của giao dịch dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân.
     + Đối với cá nhân: thì chỉ có những người có năng lực hành vi dân sự mới làm chủ được nhận thức của mình, đồng thời thông qua hành vi của mình để xác lập giao dịch dân sự, cũng như cá nhân đó phải chịu trách nhiệm về việc xác lập và thực hiện giao dịch. Tại Mục 1 của Chương III BLDS năm 2015 đã quy định cụ thể năng lực pháp luật dân sự của cá nhân (Điều 16), nội dung năng lực  pháp luật dân sự của cá nhân ( Điều 17), không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân (Điều 18), năng lực hành vi của cá nhân (Điều 19), độ tuổi của người đã thành niên (Điều 20) và người chưa thành niên (Điều 21), người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22), người có khó khăn trong nhận thức hành vi (Điều 23), người hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 24).

     + Đối với pháp nhân: thì tham gia giao dịch thông qua người đại diện, theo Điều 85 BLDS đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

     Thứ hai, về sự tự nguyện khi xác lập, thực hiện giao dịch, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Điều 3 BLDS năm 2015. Khi các chủ thể đã tham gia giao dịch thì phải hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc, đe dọa, áp đặt ý chí cho bất kỳ bên nào, không ai được chi phối. Cho nên, điều kiện này là một trong những điều kiện quan trọng để xem xét, đánh giá giao dịch dân sự có hợp pháp hay không, nếu giả tạo sẽ vô hiệu theo Điều 124 BLDS, nếu nhầm lẫn sẽ bị vô hiệu theo Điều 126 BLDS, nếu bị lừa dối, đoe dọa, cưỡng ép sẽ bị vô hiệu theo Điều 127 BLDS.

     Thứ ba, về mục đích và nội dung của giao dịch, đây là nội dung kế thừa của BLDS năm 2005, theo Điều 118 BLDS mục đích của giao dịch dân sự là là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó, còn nội dung là sự tổng hợp các điều khoản, các cam kết của các chủ thể, quy định về quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể.

     Ngoài ra, tại khoản 2 – Điều 117 BLDS còn quy định về hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những điều kiện nếu luật có quy định và việc không tuân thủ điều kiện về hình thức của giao dịch có thể dẫn tới việc vô hiệu theo Điều 129 BLDS. Và qua thực tế trong đời sống xã hội, thì giao dịch dân sự dân sự có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng hành vi hoặc bằng văn bản hoặc có thể được công chứng, chứng thực tùy theo tính chất, mức độ của các giao dịch thì các chủ thể tham gia có thể lựa chọn hình thức cho phù hợp.

By Tâm

One thought on “Khi nào thì giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660