Chiếm giữ tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản đều là hành vi chiếm đoạt tài sản trái phép, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, tuy nhiên đây là hai hành vi vi phạm khác nhau.
- Khái niệm
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (sau đây gọi chung là BLHS) và các văn bản pháp luật khác có liên quan không quy định cụ thể thế nào là chiếm giữ trái phép tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, căn cứ vào hành vi thực tế, có thể hiểu như sau:
Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản mà mình có được cho chủ sở hữu/người quản lý hoặc không nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản do mình nhặt được, được giao nhầm,…sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó.
Người thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản người khác tùy vào mức độ hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lấy tài sản của người khác một cách công khai, trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không cần dùng đến vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để người quản lý tài sản giao tài sản. Người thực hiện hành vi tùy vào những mức độ nhất định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
2. Phân biệt Tội chiếm giữ trái phép tài sản và Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
2.1. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ Điều 172 BLHS có quy định về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Về dấu hiệu lỗi: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.
2.2. Tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Căn cứ Điều 176 BLHS có quy định về tội này như sau:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý (gồm cả lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp).
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.