Hoạt động tư pháp có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để đạt được mục tiêu nêu trên, việc xây dựng nền tư pháp Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố hợp thành, gồm: thể chế tư pháp; thiết chế (tổ chức bộ máy) tư pháp và bổ trợ tư pháp; đội ngũ cán bộ tư pháp; nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ… bảo đảm cho hoạt động tư pháp; ý thức pháp luật về tư pháp.

Trong thời gian qua, nền tư pháp Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng:

Thứ nhất, thể chế tư pháp được quan tâm xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, dân chủ, nghiêm minh trong hoạt động tư pháp

Các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật lớn, quan trọng trong lĩnh vực tư pháp, phù hợp với tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

Từ năm 2005 đến năm 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 53 luật, 19 pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực tư pháp; Chính phủ, các cơ quan tư pháp Trung ương đã ban hành nhiều văn bản áp dụng pháp luật, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Thứ hai, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp được đổi mới, kiện toàn, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân được xây dựng và hoàn thiện theo mô hình 4 cấp; tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho tòa án nhân dân cấp huyện, mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính.

Đổi mới việc tổ chức phiên tòa, coi trọng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, từng bước thực hiện công khai các bản án (tính đến nay, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao đã đăng tải 1.019.067 bản án, quyết định của tòa án các cấp).

Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều án lệ và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Ngoài việc đổi mới tổ chức, chức năng, nhiệm vụ thì thủ tục tố tụng tư pháp tại tòa án cũng được hoàn thiện và cải cách mạnh mẽ theo hướng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý, như hình thành chế định gửi, nhận đơn, khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử…

Thứ ba, tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định được quan tâm xây dựng, ngày càng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại

Tổ chức, hoạt động của luật sư đã có bước phát triển và đạt nhiều kết quả; đội ngũ luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng; dịch vụ luật sư ngày càng đa dạng với chất lượng được nâng lên, hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, làm tăng tính dân chủ, công bằng tại các phiên tòa, giảm việc kết án oan, sai, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 

Các yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật để đảm bảo công lý

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, tạo lập đầy đủ cơ sở pháp lý để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; đề cao hiệu quả phòng ngừa, tính nhân đạo, hướng thiện, khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Hoàn thiện pháp luật về dân sự, bảo đảm phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền kinh tế số; sự an toàn, thông thoáng, công bằng trong các quan hệ dân sự cũng như trong giải quyết vụ việc dân sự; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và lợi ích công cộng; giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh liên quan đến sự phát triển của khoa học, công nghệ, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp phi truyền thống. 

Hoàn thiện pháp luật tố tụng tư pháp, bảo đảm tính dân chủ, công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi và tăng khả năng tiếp cận công lý của người dân, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. 

Hoàn thiện pháp luật thi hành án, nghiên cứu xây dựng Bộ luật thi hành án; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án; tăng cường xã hội hóa thi hành án, nghiên cứu mở rộng hình thức, đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng. Xây dựng hệ thống pháp luật về tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. 

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp đồng bộ với pháp luật về tố tụng tư pháp, phát huy vai trò của chế định bổ trợ tư pháp trong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hoạt động bổ trợ tư pháp. 

Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.comĐịa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660