Bảo đảm công lý trong thể chế pháp quyền có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm vị trí, vai trò tối thượng, tính bình đẳng của pháp luật và bảo đảm các quyền con người được ghi nhận trong pháp luật.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tâm – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích: Luật pháp phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự hài hòa trong quyền là người – làm người của mọi người, đồng thời có năng lực bảo vệ các quyền con người khi bị vi phạm. Công lý không có sự nâng đỡ của luật pháp sẽ trở nên yếu đuối, mờ nhạt.
Luật pháp không dựa trên các giá trị của công lý sẽ trở nên tàn bạo, hà khắc. Đạo luật Đracông năm 621 Tr.CN là một ví dụ điển hình về sự khắc nghiệt của luật pháp khi nó không dựa trên nền tảng những giá trị công lý; ví dụ chỉ phạm tội trộm cắp vặt như lấy trộm rau quả cũng bị xử tử. Từ đó, “luật Đracông” trở thành thuật ngữ được dùng để chỉ những luật tàn bạo, phi nhân tính.
Do luật pháp có thể tự nó lạm dụng quyền lực để vi phạm các quyền con người, nên trong khi thể hiện ý chí của nhà nước thì nó phải phản ánh được đầy đủ nhu cầu, lợi ích của đại đa số thành viên xã hội, và phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ cho quyền là người – làm người của mọi người. Tính công bằng trong quá trình áp dụng luật pháp cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý.
Một đạo luật được coi là có tính công bằng nếu nó được áp dụng một cách công khai, minh bạch, không thiên vị và nhất quán. Bất công sẽ xảy ra nếu những trường hợp tương tự như nhau không được xử lý bằng một cách thức như nhau. Luật pháp cần xử lý với các trường hợp như nhau bằng cách thức như nhau, ngoại trừ có các tình tiết khác biệt. Công lý chính là sự nhận thức đúng và hành động đúng vì chân lý, vì công bằng và đạo đức trong quyền là người – làm người của mọi người (và đương nhiên của mỗi người), và được xã hội cũng như pháp luật thừa nhận.
Từ đó, có thể quan niệm về bảo đảm công lý trong thể chế pháp quyền, là toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát, phán quyết, trước hết và chủ yếu của các cơ quan nhà nước, nhằm bảo đảm vị trí, vai trò tối thượng và tính bình đẳng của pháp luật trong thể chế pháp quyền, và bảo đảm các quyền con người được ghi nhận trong pháp luật./.
Hãy liên hệ với Luật Công Tâm để được tư vấn chi tiết.
Thông tin liên hệ: Luật Công Tâm
Email : luatsuluatcongtam@gmail.com Website: luatcongtam.com.vn https://www.youtube.com/channel/UCkEnuxL_V_oaCpAde-Eco7A?view_as=subscriber
Hotline : 097.281.0901 – 0387003455