Căn cứ theo Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 thì có quy định đó là quyền sở hữu sẽ bao gồm nội dung về quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cũng như quyền định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu theo đúng theo quy định của pháp luật. Theo định nghĩa này thì có thể thấy rằng quyền sở hữu bao gồm ba quyền năng cơ bản đó là quyền sử dụng, quyền chiếm hữu và quyền định đoạt.

Theo quan điểm kinh tế học, sở hữu được coi là việc chiếm giữ những của cải vật chất của con người trong đời sống xã hội. Theo quan điểm này, sở hữu là một phạm trù kinh tế mang yếu tố khách quan, xuất hiện cùng với sự tồn tại của xã hội loài người.

Quá trình tồn tại của xã hội loài người luôn gắn liền với sự phân hóa tài sản trong việc chiếm giữ những của cải vật chất. Cùng với đó là sự phân chia giai cấp, và những người có quyền thế trong xã hội thấy rằng, chỉ điều hành xã hội bằng phong tục tập quán sẽ không có lợi cho mình nên cần phải có một bộ máy bạo lực với pháp luật là công cụ để bảo vệ sự chiếm hữu của cải vật chất cho mình và cho giai cấp mình.

Trên cơ sở kinh tế để bảo đảm cho sự thống trị về chính trị và tư tưởng chính là các quan hệ sở hữu có lợi cho giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị phải dùng tới một bộ phận của pháp luật về sở hữu để thể hiện ý chí của giai cấp mình. Là một hình thái của thượng tầng kiến trúc, pháp luật về sở hữu ghi nhận và củng cố địa vị, ghi nhận lợi ích của giai cấp thống trị đối với việc đoạt giữ các của cải vật chất  trước các giai cấp khác trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông. Do đó, trong bất kỳ nhà nước nào, luật pháp về sở hữu cũng được sử dụng với ý nghĩa là một công cụ có hiệu quả của giai cấp nắm chính quyền để bảo vệ cơ sở kinh tế của giai cấp đó.

Trong khoa học pháp lý, quyền sở hữu được hiểu là một phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật về sở hữu nhằm điều chỉnh các quan hệ sở hữu trong đời sống xã hội. Các quy phạm pháp luật về sở hữu là cơ sở để xác nhận, quy định và bảo vệ các quyền lợi của chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

Quyền sở hữu với tư cách là một chế định của pháp luật dân sự, một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc, quyền sở hữu chỉ xuất hiện khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp và có Nhà nước. Pháp luật về sở hữu chính là sản phẩm của xã hội có giai cấp nhằm bảo vệ lợi ích trước hết là của giai cấp thống trị, giai cấp nắm quyền lãnh đạo trong xã hội. Pháp luật về sở hữu dù được ghi nhận và quy định dưới bất kỳ góc độ nào cũng luôn mang tính giai cấp và phản ánh những phương thức chiếm giữ của cải vật chất trong xã hội. “Vì vậy, pháp luật về sở hữu bao giờ cũng nhằm mục đích:

– Xác nhận và bảo vệ bằng pháp luật việc chiếm giữ những tư liệu sản xuất chủ yếu của giai cấp thống trị.

– Bảo vệ những quan hệ sở hữu phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị.

Tạo Điều kiện pháp lý cần thiết bảo đảm cho giai cấp thống trị khai thác được nhiều nhất những tư liệu sản xuất đang chiếm hữu để phục vụ cho sự thống trị; đồng thời xác định mức độ xử sự và các ranh giới hạn chế cho các chủ sở hữu trong phạm vi các quyền năng: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.

Với cách hiểu này, khái niệm quyền sở hữu có thể hiểu theo hai nghĩa sau:

– Theo nghĩa khách quan (còn được gọi là nghĩa rộng), quyền sở hữu là  luật pháp về sở hữu trong một hệ thống pháp luật nhất định. Do đó, quyền sở hữu là tổng hợp một hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, những của cải vật chất trong đời sống xã hội.

– Theo nghĩa chủ quan (còn được gọi là nghĩa hẹp), quyền sở hữu là mức độ xử sự mà pháp luật cho phép một chủ thể được thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt trong những điều kiện nhất định.Với cách hiểu này thì quyền sở hữu chính là những quyền năng dân sự chủ quan của từng loại chủ sở hữu nhất định đối với một tài sản cụ thể, được quy định trong các quy phạm pháp luật về sở hữu cụ thể.

Trên phương diện khoa học luật dân sự, quyền sở hữu được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự – quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu. Bởi, bản thân nó chính là hệ quả của sự tác động của một bộ phận pháp luật vào các quan hệ xã hội (các quan hệ sở hữu). Theo cách hiểu này, quyền sở hữu bao gồm đầy đủ ba yếu tố của quan hệ pháp luật dân sự: chủ thể, khách thể và nội dung như một quan hệ pháp luật dân sự bất kỳ.

Từ những phân tích ở trên ta thấy, khái niệm quyền sở hữu sử dụng trong luật dân sự được hiểu theo ba phương diện khác nhau: khoa học pháp lý, chế định luật dân sự và khoa học luật dân sự. Chỉ khi nào hiểu quyền sở hữu trên cả ba tư cách này thì mới có thể hiểu hết nghĩa của khái niệm quyền sở hữu.

By Tâm

One thought on “Quyền sở hữu được hiểu như thế nào”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660