Trong quá trình tiến hành tố tụng, để bảo đảm phát hiện nhanh chóng và kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ trách nhiệm khởi tố và xử lí vụ án hình sự.
Theo đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định để xác định tội phạm và xử lí người phạm tội, pháp nhân phạm tội.
Nguyên tắc này xác định rõ trách nhiệm khởi tố và xử lí vụ án hình sự là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án.
Điều 18. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự
Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.
Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.
Điều 18 BLTTHS năm 2015
Đối với các cơ quan khác, tổ chức không có quyền khởi tố vụ án hình sự nhưng trong phạm vi trách nhiệm của mình phải phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm như phải báo tin ngay về tội phạm xảy ra trong cơ quan, tổ chức mình cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát biết.
Ngoài cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định một số cơ quan khác cũng có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.
Đó là các cơ quan của bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, các cơ quan khác của công an nhân dân, quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan nói trên không giống nhau và được quy định cụ thể tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.