Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) đã quy định những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự tại các điều từ Điều 20 đến Điều 26. Bài viết dưới đây phân tích các quy định này nhằm giúp cho bạn đọc biết rõ các trường hợp mặc dù có hành vi gây hậu quả cho xã hội nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự.
1.Sự kiện bất ngờ (Điều 20 BLHS)
“Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trong trường hợp này, bản chất của sự kiện bất ngờ là trường hợp người thực hiện hành vi không có lỗi, họ không có sự lựa chọn khi thực hiện hành vi gây thiệt hại, cũng như họ không thể thấy trước được hậu quả do hoàn cảnh khách quan, đồng thời họ không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả đó.
2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS)
“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác. Để xác định việc mất khả năng nhận thức hành vi hoặc mất khả năng điều khiển hành vi nguy hiểm cho xã hội phải có kết luận giám định và hậu quả cũng như tính chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội.
3. Phòng vệ chính đáng (Điều 22 BLHS)
“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Theo đó, một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi thoả mãn đồng thời hai dấu hiệu: một là có hành vi tấn công đang hiện hữu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tổ chức, quyền và lợi ích chính đánh của người phòng vệ hoặc của người khác”, hai là hành vi phòng vệ gây thiệt hại cho người xâm phạm là cần thiết việc quy định hai dấu hiệu này để xác định giới hạn của phòng vệ chính đáng bởi tại khoản 2 của điều luật quy định “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên, nếu người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng sẽ là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS.
4. Tình thế cấp thiết (Điều 23 BLHS)
“Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm”.
Theo đó, để được xem là tình thế cấp thiết cần phải có đầy đủ ba dấu hiệu:
- Phải có sự đe dọa hiện hữu và thực tế xâm phạm đối với lợi ích được pháp luật bảo vệ;
- Hành vi gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm;
- Thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Tương tự phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết xác định ba dấu hiệu để nhận biết trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết theo khoản 2 Điều 23 thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự, cũng như được xem xét sẽ là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS.
5. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24 BLHS)
“Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm”.
Để được coi là gây thiệt hại trong bắt giữ người phạm tội là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, phải thỏa mãn các ba dấu hiệu sau:
- Hành vi bắt giữ phải thuộc về các chủ thể có thẩm quyền bắt giữ người phạm tội;
- Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là biện pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để bắt giữ người phạm tội;
- Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là cần thiết.
Tuy nhiên, tại khoản 2 cũng quy định tình trạng vượt quá mức cần thiết và tình tiết giảm nhẹ được áp dụng tại Điều 51 BLHS.
6. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25 BLHS)
“Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo đó:
- Hành vi gây thiệt hại trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ phải nhằm mục đích đem lại lợi ích cho xã hội;
- Lĩnh vực của hành vi gây thiệt hại chỉ giới hạn trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ;
- Người gây ra thiệt hại đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.
7. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26 BLHS)
Điều 26 BLHS quy định:”Hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó”.
Các điều kiện để được coi là thi hi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên gồm có bốn điều kiện sau:
- Mệnh lệnh mà người có hành vi gây thiệt hại thi hành phải là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
- Mục đích của việc thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc lực lượng vũ trang phải nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
- Người có hành vi gây thiệt hại đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó;
- Việc thi hành mệnh lệnh này không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 – Điều 421, khoản 2 – Điều 422, khoản 2 – Điều 423 BLHS.
Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi gây thiệt hại này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, đối với người ra mệnh lệnh nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.