Tiếp tục cải cách tư pháp: Những vấn đề về lý luận

Tiếp tục cải cách tư pháp với tư cách là một thành tố của sự nghiệp đổi mới đất nước là nhu cầu tất yếu, cần thiết, khách quan hiện nay, là bước thứ hai của cải cách tư pháp ở nước ta. Bài viết này tìm hiểu một cách khái quát những vấn đề lý luận về tư pháp và cải cách tư pháp, góp phần luận giải những cơ sở lý luận cho việc xây dựng Chiến lược mới về cải cách tư pháp ở nước ta. Cụ thể là luận giải quan niệm về quyền tư pháp, các đặc trưng của quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp, quyền tư pháp và chế độ tư pháp, các đặc điểm của nền (chế độ) tư pháp, cải cách tư pháp.

Ảnh minh họa

Nhận thức về cải cách tư pháp và tiến hành cải cách tư pháp cần phải xuất phát từ nhận thức về tư pháp cả trên phương diện lý luận lẫn trên phương diện thực tiễn. Tư pháp là một phạm trù chính trị – pháp lý, bởi vì, nó vừa mang tính chất chính trị vừa mang tính chất pháp lý. Tính chất tổ hợp đó được thể hiện ở chổ, phạm trù đó được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, trong các văn bản pháp luật của nhà nước, được thể hiện khái quát nhất trong Hiến pháp của nước ta, trong Hiến pháp của mọi quốc gia. Tư pháp, từ trong lịch sử cho đến nay, là một chủ đề được các nhà tư tưởng, các nhà chính trị, các nhà luật học đặc biệt quan tâm, luận giải một cách một cách sâu sắc trên nhiều phương diện.

Tư pháp là một phạm trù tổ hợp, tích hợp. Tư pháp có thể được hiểu ở những phương diện khác nhau như: quyền tư pháp, tổ chức quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp, tổ chức thực hiện quyền tư pháp, cơ chế thực hiện quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, hệ thống tư pháp, nền tư pháp.

Quyền tư pháp, theo quan niệm truyền thống, được giải nghĩa là một trong ba bộ phận, phạm vi, lĩnh vực, nhánh của quyền lực nhà nước: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Quyền tư pháp thuộc về tòa án.

Quyền tư pháp được hiểu là khả năng và năng lực riêng có của tòa án trong việc thực hiện thẩm quyền xét xử và các thẩm quyền khác theo phương thức nhất định để tác động đến hành vi của con người và các quá trình phát triển xã hội.

Quyền tư pháp mang bản chất quyền lực nhân dân, mang tính chất pháp quyền, thể hiện ở xét xử và phán quyết về các tranh chấp, xung đột trong xã hội.

Phạm vi của quyền tư pháp thể hiện ở phạm vi các quyền năng của quyền tư pháp và phạm vi của từng quyền năng thuộc quyền tư pháp. Theo nội dung, phạm vi của quyền tư pháp bao quát hết các quyền năng thuộc quyền tư pháp: quyền năng xét xử, quyền năng giải thích pháp luật, quyền năng hướng dẫn áp dụng pháp luật, quyền năng xây dựng và phát triển án lệ và các quyền năng khác. Theo tiến trình tố tụng, phạm vi của quyền tư pháp bao gồm từ hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kết thúc ở việc thi hành xong bản án.

Nội dung của quyền tư pháp bao gồm các thẩm quyền xét xử các loại vụ việc: xét xử (hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình,…) và phán quyết về các tranh chấp, xung đột trong xã hội; giải thích pháp luật; tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng pháp luật; xây dựng và phát triển án lệ; xây dựng và phát triển cộng đồng thẩm phán; kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định và hoạt động của các cơ quan nhà nước và của những người có chức vụ, quyền hạn; bảo đảm việc thi hành và chấp hành các bản án, các quyết định khác. Các thẩm quyền trên có tính độc lập tương đối, có mối liên hệ, tương tác, bổ sung cho nhau, tạo thành quyền tư pháp.

Quyền tư pháp thuộc về tòa án, do vậy, chủ thể của quyền tư pháp hay cơ quan thực hiện quyền tư pháp là tòa án. Để thực hiện quyền tư pháp, hệ thống tòa án, hệ thống các cấp xét xử được xây dựng và vận hành. Các chủ thể hay các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp ở nước ta là cơ quan điều tra; viện Kiểm sát; cơ quan thi hành án; các cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Phương thức thực hiện quyền tư pháp là các loại tố tụng tư pháp và các loại hoạt động tố tụng tư pháp. Phương thức thực hiện quyền tư pháp có đặc trưng khác với các phương thức thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp. Đến lượt mình, việc xét xử từng loại vụ việc được tiến hành theo phương thức đặc trưng cụ thể gắn liền với đặc điểm, tính chất của loại vụ việc đó.

Quyền tư pháp và hệ thống các cơ quan thực hiện, tham gia thực hiện quyền tư pháp, phương thức thực hiện quyền tư pháp được thể chế hóa bằng Hiến pháp và các đạo luật. Hơn bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, của đời sống nhà nước, lĩnh vực tư pháp cần được pháp luật điều chỉnh một cách cụ thể, đầy đủ, toàn diện, thống nhất, ở mức độ các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, từ Hiến pháp cho đến các đạo luật (các bộ luật, các đạo luật).

Quyền tư pháp ở nước ta mang tính chính trị – pháp lý, tính cương lĩnh, tính hiến pháp, được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam.

Đó là một thành tựu của đổi mới tư duy chính trị – pháp lý của Đảng ta, là một thành tựu của lập hiến Việt Nam, thể hiện rõ nhất tính thống nhất của quyền lực nhà nước, việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước, việc khẳng định quyền tư pháp thuộc về tòa án.

Như vậy, quyền tư pháp là một giá trị, một bộ phận, phạm vi, lĩnh vực, một loại quyền lực nhà nước; quyền tư pháp có mối tương tác với quyền lập pháp, quyền hành pháp; quyền tư pháp gắn liền với việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Các đặc trưng của quyền tư pháp

Quyền tư pháp hiện nay ở Việt Nam có hai đặc trưng mang tính phổ quát theo quan niệm hiện nay trên thế giới về quyền tư pháp là: tính độc lập, tính cân bằng, sự kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp.

Các đặc trưng mang tính đặc thù của quyền tư pháp hiện nay ở Việt Nam là: tính thống nhất, tính phối hợp, quyền tư pháp chưa kiểm soát đầy đủ quyền lập pháp, tính chính trị (do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo).

Tính độc lập của quyền tư pháp

Đây là đặc trưng cốt lõi của quyền tư pháp hay nói cách khác là đặc trưng của đặc trưng. Trong số các đặc trưng phổ biến của quyền tư pháp trong mọi nhà nước pháp quyền thì tính độc lập của quyền tư pháp (độc lập về tổ chức và độc lập về hoạt động) là đặc trưng vốn có, không thể thiếu.

Tính độc lập của quyền tư pháp thể hiện ở những nội dung sau: độc lập về vị thế, vai trò, vị trí trong cơ chế quyền lực nhà nước; độc lập về quyền năng; độc lập về chủ thể thực hiện: độc lập của tòa án, độc lập của thẩm pháp và hội thẩm nhân dân khi xét xử; độc lập về phương thức thực hiện quyền: tố tụng tư pháp; chỉ tuân theo pháp luật; độc lập trong việc đưa ra phán quyết (bản án, quyết định); nghiêm cấm mọi sự can thiệp. Nói cách khác, độc lập về tổ chức và độc lập về hoạt động.

Độc lập về vai trò nghĩa là quyền tư pháp có vai trò riêng của mình trong cơ chế quyền lực nhà nước, tức là có sự tác động quyền lực riêng, có chức năng riêng , có mối liên hệ tương tác với hai lĩnh vực quyền lực còn lại là quyền lập pháp và quyền hành pháp.

Độc lập về vị trí tức là quyền tư pháp có vị trí riêng trong cơ chế quyền lực nhà nước, không bị “hòa lẫn” trong quyền lập pháp, quyền hành pháp và ngược lại; quyền tư pháp có một vị trí độc lập như vị trí độc lập của quyền lập pháp, vị trí độc lập của quyền hành pháp.

Độc lập về quyền năng nghĩa là quyền tư pháp bao gồm các quyền năng riêng có của mình: quyền năng xét xử và phán quyết, quyền năng giải thích pháp luật, quyền năng tổng kết xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong cả nước, quyền năng xây dựng và phát triển án lệ, quyền năng xây dựng và phát triển cộng đồng thẩm phán, quyền năng giám sát thi hành án.

Độc lập về chủ thể thực hiện là độc lập của tòa án, độc lập của thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Tòa án là một hệ thống các cơ quan độc lập trong hệ thống các cơ quan nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của mình; thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập.

Độc lập của mỗi cấp xét xử theo thẩm quyền: hệ thống các tòa án bao gồm những cấp xét xử theo thẩm quyền tố tụng đã được quy định; khi xét xử các hội đồng xét xử hoàn toàn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ở tòa án chỉ có quan hệ giữa tòa “cấp cao hơn” và “cấp thấp hơn” về thẩm quyền tố tụng mà không có “tòa cấp trên” và “tòa cấp dưới” theo thẩm quyền hành chính.

Độc lập về phương thức thực hiện quyền: quyền tư pháp được thực hiện bằng phương thức riêng có của mình là tố tụng tư pháp và các loại hoạt động tố tụng tư pháp được quy định rất rõ ràng, công bằng, minh bạch, cụ thể, chặt chẽ.

Tính tuân thủ pháp luật, tính tự quyết định, tính tự chịu trách nhiệm trước công lý, trước pháp luật: chỉ tuân theo pháp luật; tòa án độc lập trong việc đưa ra phán quyết (bản án, quyết định) và tự chịu trách nhiệm trước công lý, trước pháp luật về phán quyết do mình đưa ra.

Tính không được can thiệp có nghĩa là không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.

Tính thống nhất, tính phối hợp của quyền tư pháp ở nước ta

Tính thống nhất của quyền tư pháp ở nước ta thể hiện ở chổ quyền lực nhà nước là thống nhất: thống nhất về bản chất, về mục tiêu, về định hướng hoạt động, bởi vì, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; sự thống nhất không có nghĩa là giao cho một cơ quan thực hiện; kỹ thuật tổ chức và thực hiện quyền lực là có sự phân công, phối hợp, giám sát để thực hiện quyền lực nhà nước đúng quỹ đạo, hiệu quả.

Tính phối hợp của quyền tư pháp ở nước ta được hiểu ít nhất ở hai phương diện: (1) sự phối hợp của quyền tư pháp với quyền lập pháp, với quyền hành pháp trong thực hiện quyền lực nhà nước thống nhất; (2) sự phối hợp của cơ quan tư pháp (tòa án) với các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp (viện kiểm sát, cơ quan công an, cơ quan thi hành án). Có thể gọi đó là sự phối hợp bên ngoài và sự phối hợp bên trong. Đây là đặc trưng riêng của quyền tư pháp ở nước ta. Vấn đề đặt ra ở đây là phối hợp ở đâu và phối hợp như thế nào, mối quan hệ giữa tính phối hợp và bảo đảm tính độc lập của quyền tư pháp cần phải được thiết kế như thế nào để duy trì được mối quan hệ phối hợp mang tính pháp quyền và không làm tổn thương, phương hại đến tính độc lập của quyền tư pháp. Trong mọi trường hợp, tính phối hợp của quyền tư pháp và của thực hiện quyền tư pháp không được làm tổn thương, phương hại đến tính độc lập của quyền tư pháp và của thực hiện quyền tư pháp, bởi lẽ, tính độc lập là đặc trưng cốt lõi của quyền tư pháp. Ở các nước thực thi quyền lực nhà nước theo chế độ phân quyền không có đặc trưng này, ở đó quyền tư pháp cân bằng, đối trọng với quyền lập pháp, với quyền hành pháp, tòa án là trọng tài của bên buộc tội và bên gỡ tội, không phối hợp với bên nào.

Sự kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền lập pháp và quyền hành pháp

Trong các phương thức kiểm soát quyền lực mà xã hội loài người đã tích lũy được thì phương thức dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực, phương thức dùng pháp luật để kiểm soát quyền lực là những phương thức kiểm soát quyền lực hữu hiệu nhất, văn minh nhất. Quyền tư pháp với tư cách là một trong ba bộ phận, phạm vi, lĩnh vực của quyền lực nhà nước, tất yếu, và cần phải được sử dụng để kiểm soát quyền lập pháp, quyền hành pháp. Sự kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền lập pháp, quyền hành pháp được thể hiện rõ nét nhất, tập trung nhất ở vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án Hiến pháp; ở tổ chức và hoạt động của tư pháp hành chính. Vấn đề đặt ra hiện nay ở nước ta là quyền tư pháp cần phải kiểm soát quyền lập pháp, quyền hành pháp đến mức nào, bằng cách thức như thế nào thì phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Tính chính trị. Ở nước ta, quyền tư pháp mang tính chính trị, thể hiện ở chỗ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo đối với quyền tư pháp. Vấn đề quan trọng ở đây là lãnh đạo làm sao để vẫn bảo đảm được tính độc lập của quyền tư pháp. Lãnh đạo về mặt tổ chức như thế nào? Lãnh đạo về mặt hoạt động như thế nào? Quyền tư pháp có giám sát quyền lực chính trị hay không? Đó là những vấn đề cần được giải quyết trong quá trình cải cách tư pháp.

Thực hiện quyền tư pháp

Quyền tư pháp được thực hiện thông qua hệ thống tư pháp. Hệ thống tư pháp vừa nói lên chủ thể thực hiện quyền tư pháp vừa nói lên phương thức thực hiện quyền tư pháp. Hệ thống tư pháp có thể được hiểu ở nghĩa hẹp và ở nghĩa rộng. Ở nghĩa hẹp – ở nghĩa đúng bản chất quyền tư pháp – hệ thống tư pháp là hệ thống tổ chức và hoạt động của các tòa án và hệ thống các thủ tục tư pháp. Ở nghĩa rộng, theo cách hiểu của chủ thể thực hiện quyền lực và chủ thể tham gia thực hiện quyền lực, hệ thống tư pháp là hệ thống tổ chức và hoạt động của các tòa án, các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp và hệ thống các thủ tục tư pháp.

Tòa án với tư cách là chủ thể thực hiện quyền tư pháp giữ vị thế, vai trò, vị trí, địa vị đặc biệt trong cơ chế quyền lực nhà nước, trong hệ thống tư pháp. Trong cơ chế quyền lực, tòa án giữ vị thế, vai trò là người thực hiện quyền lực – quyền tư pháp, một loại quyền lực mang tính độc lập mà các loại quyền lực khác không có.

Trong hệ thống tư pháp, tòa án giữ vị trí trung tâm và hoạt động xét xử đóng vai trò trọng tâm.

Tòa án giữ vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp, bởi vì, chức năng xét xử là chức năng duy nhất, riêng có của tòa án và chỉ thuộc về tòa án. Điều đó có nghĩa rằng, tòa án là chủ thể trung tâm của thực hiện quyền tư pháp, của hoạt động xét xử.

Hoạt động xét xử đóng vai trò trọng tâm trong hoạt động tư pháp. Hoạt động xét xử chỉ do tòa án thực hiện và xét xử là nơi tạo ra sự tự do tranh luận, tự do trình bày quan điểm, chứng cứ của các bên: bên buộc tội và bên bào chữa. Tòa án là chủ thể trọng tâm của hoạt động xét xử, là chủ thể tạo điều kiện và làm trọng tài cho các chủ thể thực hiện các hoạt động tố tụng nói trên. Chỉ trong tố tụng tranh tụng, hoạt động xét xử do tòa án tiến hành mới đóng vai trò trọng tâm.

Phân tích trên cho thấy rằng, xét về mặt lý luận, cải cách tư pháp cần phải tập trung vào cải cách tòa án với tư cách là vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp, vào hoạt động xét xử với tư cách là vị trí trọng tâm trong hoạt động tư pháp.

Quyền tư pháp và chế độ tư pháp

Quyền tư pháp thể hiện tập trung trong chế độ tư pháp, quyết định các đặc điểm, nội dung của chế độ tư pháp. Quyền tư pháp là trung tâm của chế độ tư pháp, của nền tư pháp. Chế độ tư pháp mang tính chính trị – pháp lý, tính cương lĩnh, tính hiến pháp. Chế độ tư pháp có thể được xem xét trên các phương diện: chính trị, xã hội, pháp luật.

Chế độ tư pháp mang tính chính trị, tức là được xem xét trên phương diện chính trị. Điều này có nghĩa rằng, chế độ tư pháp là một bộ phận hợp thành của chế độ nhà nước, một bộ phận hợp thành của chế độ chính trị, chế độ tư pháp bảo vệ chế độ chính trị, chế độ nhà nước.

Chế độ tư pháp mang tính chất xã hội, tức là được xem xét trên phương diện xã hội. Điều này có nghĩa rằng, chế độ tư pháp là một bộ phận của mọi chế độ xã hội có giai cấp, gắn liền với công lý, với quyền con người, với phân xử đúng sai trong xã hội. Chế độ tư pháp là hiện thân, duy trì, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Chế độ tư pháp phát triển chỉ có thể có trong Nhà nước pháp quyền, trong xã hội pháp quyền.

Chế độ tư pháp mang tính pháp lý, tức là được xem xét trên phương diện pháp luật. Điều này có nghĩa rằng, chế độ tư pháp là một loại chế độ pháp luật. Loại chế độ pháp luật này được gọi là chế độ pháp luật về tư pháp hay pháp luật về tư pháp.

Chế độ tư pháp và nền tư pháp. Dưới dạng khái quát nhất, có thể hiểu nền tư pháp là lĩnh vực, bộ phận, nền tảng vững chắc được hình thành nên trong đời sống xã hội mà dựa vào đó tư pháp được thiết kế, được vận hành, được hoạt động. Nói cách khác, nền tư pháp là tất cả những gì cốt lõi, cơ bản tạo nên tư pháp. Thực chất, đó là các giá trị, các quan điểm, các nguyên tắc tạo thành nền tảng cho tư pháp được hình thành và vận hành.

Chế độ tư pháp, chế độ tư pháp phát triển, ở một phương diện nhất định, cũng được hiểu là nền tư pháp, nền tư pháp phát triển.

Chế độ tư pháp phát triển được hiểu là chế độ tư pháp độc lập, dân chủ, tiến bộ, công khai, minh bạch, liêm chính, dễ tiếp cận, trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, từng bước hiện đại, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tiếp thu tinh hoa tư pháp nhân loại.

Chế độ pháp luật về tư pháp

Chế độ pháp luật về tư pháp là phương thức pháp lý tổ chức nên nền tư pháp trong một quốc gia, là cơ sở pháp luật cho việc thiết kế nên tổ chức và sự vận hành của quyền tư pháp, là tiêu chuẩn để đánh giá tính chính đáng, tính chính danh, tính hợp hiến, tính hợp pháp của quyền tư pháp, của thực hiện quyền tư pháp.

Có thể hiểu chế độ pháp luật về tư pháp là: (1) tổng thể các phương tiện, biện pháp, phương pháp, phương thức thể hiện quyền tư pháp; (2) trật tự điều chỉnh pháp luật đối với đời sống quyền tư pháp; (3) hệ thống các đòi hỏi, các quy phạm, các nguyên tắc, các quy tắc bắt buộc được quy định đối với hoạt động thực hiện quyền tư pháp; (4) một trạng thái, địa vị, quy chế của quyền tư pháp, của chủ thể quyền tư pháp. Nói cách khác, chế độ pháp luật về tư pháp là chế độ dựa vào sự trợ giúp của pháp luật để thể hiện và thực hiện quyền tư pháp.

Chế độ pháp luật về tư pháp có các dấu hiệu đặc trưng sau đây: 1) Chế độ pháp luật về tư pháp do Hiến pháp và luật quy định và được Nhà nước bảo hộ; 2) Chế độ pháp luật về tư pháp có mục tiêu thể chế hóa một cách đặc thù các quan hệ pháp luật về quyền tư pháp, xác định các chủ thể và khách thể của quyền tư pháp, về tổ chức và thực hiện quyền tư pháp; 3) Chế độ pháp luật về tư pháp là trật tự điều chỉnh pháp luật đặc biệt, bao gồm tổng thể và sự kết hợp các phương tiện pháp lý nhất định; 4) Chế độ pháp luật về tư pháp tạo ra cơ sở pháp luật: pháp luật vật chất, pháp luật tố tụng, pháp luật về tổ chức, pháp luật về nhân lực tư pháp cho việc thực thi quyền tư pháp.

Chế độ pháp luật về tư pháp có thể được coi là một cấu trúc pháp luật thống nhất để ghi nhận, thể hiện quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp. Điều đó có nghĩa rằng, cần phải sử dụng các phương tiện pháp luật để thiết kế chế độ pháp luật phù hợp với vị thế, vai trò, vị trí, các đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ, quyền năng, thẩm quyền, nội dung, chủ thể, phương thức thực hiện quyền tư pháp.

Chế độ pháp luật về tư pháp là một phạm trù tổ hợp bao gồm nhiều chế độ pháp luật cụ thể: chế độ pháp luật về tổ chức quyền tư pháp; chế độ pháp luật về hoạt động thực hiện quyền tư pháp; chế độ pháp luật về các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện quyền tư pháp; và các chế độ pháp luật khác liên quan đến quyền tư pháp; chế độ pháp luật vật chất, chế độ pháp luật tố tụng; chế độ pháp luật về nhân lực tư pháp;…

Nhà nước ta cần đặc biệt quan tâm phát triển các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tư pháp, bởi lẽ, đến nay lĩnh vực quan hệ xã hội này chưa được quan tâm đúng mức như các quan hệ trong lĩnh vực lập pháp và hành pháp. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện chế độ pháp luật về tư pháp để tạo ra cơ sở pháp luật đầy đủ cho việc tổ chức và thực hiện hiệu quả, chất lượng quyền tư pháp, cho việc tiến hành những cải cách trong lĩnh vực này.

Như vậy, bằng khái niệm “chế độ pháp luật về tư pháp” chúng ta làm rõ hơn đặc điểm của điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tư pháp với sự hỗ trợ của các phương tiện pháp luật khác nhau. Cải cách tư pháp không thể không cải cách chế độ pháp luật về tư pháp.

Về các đặc điểm của nền tư pháp

Nền tư pháp hay chế độ tư pháp có các đặc điểm đặc trưng nhất định. Đó là tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận công lý cho người dân.

Về tính công khai của nền tư pháp

Tính công khai của nền tư pháp được hiểu một cách khái quát là nền tư pháp không giữ kín mà để cho mọi người đều có thể biết. Tính công khai của nền tư pháp hàm chứa tính hợp pháp của nó. Tính công khai của nền tư pháp bảo đảm để mọi người có thể biết đến, hiểu được, giám sát được quyền tư pháp và việc thực hiện quyền tư pháp, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp và các chủ thể tham gia thực hiện quyền tư pháp.

Tính công khai của nền tư pháp thể hiện ở các nội dung sau: công khai về chế độ pháp luật về tư pháp; công khai về tổ chức thực hiện quyền tư pháp – tổ chức của tòa án; công khai về hoạt động thực hiện quyền tư pháp – hoạt động của tòa án; công khai về kết quả hoạt động thực hiện quyền tư pháp – kết quả hoạt động của tòa án; công khai về thẩm phán; công khai về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp (viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án).

Công khai về chế độ pháp luật về tư pháp là công khai tất cả các văn bản quy phạm pháp luật cấu thành chế độ pháp luật về tư pháp, bao gồm công khai quá trình xây dựng, ban hành, công bố và phổ biến tất cả các văn bản quy phạm pháp luật nói trên; công khai các văn bản của Đảng về tư pháp.

Công khai về tổ chức thực hiện quyền tư pháp, các tòa án được thiết lập về cơ cấu tổ chức, nơi làm việc công khai. Bên cạnh đó còn công khai về tổ chức của các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp (viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án).

Công khai về hoạt động thực hiện quyền tư pháp, tức là công khai hoạt động của tòa án: xét xử công khai. Xét xử công khai chứ không chỉ phiên tòa xét xử công khai, bởi lẽ, còn phải công khai cả kết quả xét xử. Xét xử công khai có nội dung rộng hơn, bao gồm phiên toà xét xử công khai. Công khai về hoạt động của các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp (viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án).

Tòa án xét xử công khai, bằng lời nói, mọi người có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do pháp luật quy định. Điều này bảo đảm tính minh bạch cho phiên tòa và cung cấp thông tin cho các bên liên quan và cho xã hội. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín, tức là tòa án không cho phép tất cả hoặc một bộ phận công chúng theo dõi phiên tòa nhưng phải tuyên án công khai.

Công khai về kết quả hoạt động thực hiện quyền tư pháp – kết quả hoạt động  của tòa án: công khai các bản án, quyết định; công khai các án lệ; công khai số liệu xét xử hàng năm, bao gồm số liệu tổng thể và số liệu về các loại án. Vấn đề đặt ra ở đây là giới hạn công khai về kết quả hoạt động của tòa án là đến đâu? Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn và kinh nghiệm nước ngoài.

Công khai về thẩm phán: công khai về các tiêu chuẩn, phẩm chất của thẩm phán, về quy trình bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thẩm phán, các biện pháp bảo đảm sự độc lập, bảo vệ thẩm phán trước những can thiệp từ bên ngoài bằng pháp luật.

Về tính minh bạch của nền tư pháp

Tính minh bạch của nền tư pháp có nghĩa là tính rõ ràng, rành mạch, tính hiểu được của nền tư pháp. Tính minh bạch của nền tư pháp được thể hiện ở sự minh bạch của các quy định pháp luật thuộc chế độ pháp luật về tư pháp, tính minh bạch trong hoạt động của tòa án, tính rõ ràng, tính hiểu được của/về các phán quyết của tòa án.

Tính minh bạch của nền tư pháp thể hiện ở việc: minh định rõ ràng, rành mạch vai trò, vị trí của quyền tư pháp trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị, tính rõ ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, tính rõ ràng, rành mạch về phương thức thực hiện quyền tư pháp.

Tính minh bạch trong hoạt động của tòa án thể hiện ở việc: phân biệt rõ ràng, rành mạch các cấp xét xử, các cấp tòa án, phân biệt rõ ràng, rành mạch các loại hoạt động của tòa án: hoạt động xét xử, hoạt động giải thích pháp luật, hoạt động tổng kết và hướng dẫn áp dụng pháp luật, hoạt động xây dựng và phát triển án lệ, hoạt động giám sát thi hành án, hoạt động đào tạo và phát triển đội ngũ thẩm phán.

Tính rõ ràng, tính hiểu được của/về các phán quyết của tòa án thể hiện ở chỗ: các bản án, quyết định của tòa án phải rõ ràng, hiểu được, thực hiện được.

Về tiếp cận công lý cho người dân của nền tư pháp

Tính tiếp cận công lý cho người dân là một đòi hỏi phổ quát đối với nền tư pháp nói chung, đối với tòa án nói riêng. Đây cũng là đòi hỏi của xã hội, của nhân dân, của Nhà nước pháp quyền đối với nền tư pháp, đối với tòa án.

Vậy, công lý là gì? Vì sao công lý, tiếp cận công lý lại gắn liền với tòa án? Dưới dạng khái quát nhất có thể hiểu công lý là một giá trị, là lẽ phải, sự thật, chân lý, công bằng, đạo lý, lợi ích chung của xã hội, pháp luật.

Từ trong lịch sử đến nay khi nói đến công lý, nói đến nền tư pháp nghĩa là nói đến tòa án. Tòa án là biểu tượng của công lý, của nền tư pháp. Niềm tin vào công lý là niềm tin vào tòa án. Tòa án với tư cách là chủ thể trung tâm của quyền tư pháp có vai trò duy trì và bảo đảm công lý, bảo đảm sự an toàn pháp lý, các quyền con người, các quyền công dân. Tòa án là thiết chế bảo vệ công lý tức là bảo vệ các giá trị xã hội chung thông qua xét xử và đưa ra phán quyết về các tranh chấp, xung đột trong xã hội, là cơ quan bảo vệ quyền con người, quyền công dân, là cơ quan bảo vệ pháp luật, phục hồi các quyền đã bị vi phạm. Tòa án nhân danh công lý phán quyết về các hành vi vi phạm pháp luật, các tranh chấp, xung đột trong xã hội, buộc các cá nhân, tổ chức chịu sự phán quyết đó thi hành phán quyết đã được đưa ra.

Khi người dân tiếp cận đến tòa án thì điều đó cũng có nghĩa là người dân tiếp cận đến công lý, tin tưởng vào công lý, tìm kiếm công lý ở tòa án.

Tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho người dân, tức là tăng cường khả năng của người dân tiếp cận đến tòa án, đến nền tư pháp. Điều này đòi hỏi phải tăng cường khả năng từ hai phía:

Từ phía công dân, cần thường xuyên nâng cao ý thức pháp luật, năng lực sử dụng pháp luật, xây dựng cơ chế trợ giúp pháp lý cho công dân, xây dựng và cũng cố niềm tin của công dân, của xã hội vào tòa án với tư cách là niềm tin vào công lý, tòa án là nơi tìm kiếm, khẳng định và bảo vệ công lý.

Từ phía tòa án, khẳng định công lý bằng hoạt động xét xử công bằng, bảo đảm sự bình đẳng của các bên trước tòa án, bảo đảm tính khách quan của thẩm phán, bảo vệ lẽ phải, sự thật, chân lý, đạo lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích chung của xã hội, pháp luật.

Để khẳng định và ghi nhận điều đó Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Điều 102, khoản 3 quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý,…”.

Đây là quy định thể hiện tư duy chính trị – pháp lý mới của nhà lập hiến Việt Nam về quyền tư pháp ở Việt Nam, thể hiện tính phổ quát của quyền tư pháp trên thế giới.

Về cải cách tư pháp

Cải cách tư pháp là một quá trình đổi mới tiếp nối liên tục trên tất cả các phương diện cơ bản: phương diện tư duy lý luận, phương diện tư duy thực tiễn. Để tiến hành cải cách tư pháp có hiệu quả, chất lượng, trước hết, cần giải quyết một loạt vấn đề mang tính nhận thức lý luận và thực tiễn quan trọng. Chúng tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề đó để làm nền tảng cho sự nghiệp cải cách tư pháp có hiệu quả, chất lượng.

Cải cách tư pháp là một phạm trù chính trị – pháp lý. Cải cách tư pháp là sự cải tạo, sự sửa đổi, sự đổi mới một số bộ phận tư pháp không còn phù hợp để đáp ứng các yêu cầu phát triển khách quan của tư pháp. Cải cách tư pháp tạo ra những thay đổi mang tính chỉnh thể, hệ thống về tư pháp, bao quát cả tư duy và hành động trong lĩnh vực tư pháp. Cải cách tư pháp là một bộ phận cấu thành của đổi mới cơ chế quyền lực nhà nước, của đổi mới đất nước. Cải cách tư pháp là một quá trình biến đổi toàn diện, sâu sắc, triệt để các bộ phận tư pháp nhất định, được tiến hành theo một lộ trình nhất định. Cải cách tư pháp chịu sự tác động của những nhân tố nhất định, có quy luật phát triển riêng của mình. Cải cách tư pháp hiện nay ở Việt Nam là tất yếu, cần thiết, cấp bách.

Cải cách tư pháp mang tính phức tạp, tính khó khăn, tính nhạy cảm, bởi lẽ, cuộc cải cách đó liên quan, đụng chạm đến lợi ích của từng con người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, từng cơ quan tư pháp và tham gia thực hiện quyền tư pháp, đến quyền lực nhà nước và cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước ở các cấp độ khác nhau, toàn xã hội. Cải cách tư pháp tác động mạnh mẽ đến con người, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, đối ngoại. Do vậy, tiến hành cải cách tư pháp cần phải được thực hiện một cách thận trọng, dựa trên hiểu biết lý luận và thực tiễn toàn diện, sâu sắc, tham khảo kinh nghiệm phù hợp, có bước đi thích hợp, nhưng cũng phải mạnh dạn, quyết liệt, nhất quán với quyết tâm chính trị cao, không được quá chậm trễ, quá thận trọng. Bởi như vậy sẽ lãng phí thời gian, công sức, trí tuệ, tâm huyết của nhà nước, xã hội, không đáp ứng được sự kỳ vọng, sự mong đợi của nhân dân.

Cải cách tư pháp cần phải được tiến hành đồng bộ với cải cách, đổi mới lập pháp, cải cách hành pháp. Hiến pháp Việt Nam năm 2013, tại Điều 2 khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” . Cải cách tư pháp, tất yếu, liên quan đến tính thống nhất, tính phân công, tính phối hợp, tính kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Do vậy, cải cách tư pháp cần phải được tiến hành đồng bộ với cải cách, đổi mới lập pháp, cải cách hành pháp, được Đảng, Nhà nước ta coi là một trong những quan điểm cải cách tư pháp . Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra chủ trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, cải cách hành chính, cải cách tư pháp đến năm 2020 .

Có nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội tiến hành cải cách tư pháp theo thẩm quyền và vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

Trước hết, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức của Đảng tiến hành cải cách tư pháp bằng cách đưa ra các chủ trương cải cách tư pháp, lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát thực hiện các chủ trương đó. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra đường lối, chủ trương đổi mới đất nước, trong đó có các chủ trương cải cách tư pháp, được thể hiện trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Có thể nói, sau hơn 15 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng đã đưa ra các chủ trương cải cách tư pháp và các chủ trương đó thể hiện những tư tưởng, quan điểm rất tiến bộ, rất đổi mới, mang tính thời đại của Đảng ta về cải cách tư pháp. Cùng với đó, Đảng, các tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII mới đây tiếp tục đưa ra chủ trương “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp”.

Tiếp đến là Nhà nước, các cơ quan nhà nước. Quốc hội, Chính phủ, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, công an nhân dân, quân đội nhân dân, Bộ Tư pháp, các cơ quan chính quyền địa phương và các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền khác đã thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của mình và thu được những kết quả quan trọng.

Xã hội và nhân dân tham gia cải cách tư pháp bằng cách tiến hành sự giám sát của các cơ quan dân cử và của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp. Cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Cải cách tư pháp, trước hết, là đổi mới tư duy lý luận và thực tiễn về tư pháp. Đổi mới tư duy về tư pháp tức là có tư duy mới, tư duy đổi mới sáng tạo về tư pháp. Đổi mới tư duy về tư pháp là một bộ phận cấu thành quan trọng của đổi mới tư duy về cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, gắn liền chặt chẽ với đổi mới tư duy về lập pháp, với đổi mới tư duy về hành pháp, với đổi mới tư duy về phát triển con người và với đổi mới tư duy về phát triển các lĩnh vực khác nhau của đời sống nhà nước, đời sống xã hội. Đổi mới tư duy về tư pháp cần phải dựa vào tư duy về tư pháp và làm sâu sắc thêm tư duy đó trên tất cả các phương diện của nó. Đó là tư pháp trên các phương diện như: quyền tư pháp, tổ chức quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp, tổ chức thực hiện quyền tư pháp, cơ chế thực hiện quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, hệ thống tư pháp, chế độ pháp luật về tư pháp.

Đó là đổi mới để có nhận thức đúng, đầy đủ về quyền tư pháp với tư cách là một trong ba bộ phận, phạm vi, lĩnh vực của quyền lực nhà nước, về bản chất, phạm vi, nội dung, các đặc trưng của quyền tư pháp, phương thức thực hiện quyền tư pháp; đổi mới nhận thức và thực tiễn về cơ quan tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ chế thực hiện quyền tư pháp; đổi mới về tổ chức quyền tư pháp, tổ chức thực hiện quyền tư pháp; đổi mới pháp luật về tư pháp và thực hiện pháp luật về tư pháp; đổi mới nghiên cứu và đào tạo về tư pháp; đổi mới, phát triển nhân lực tư pháp.

Cải cách tư pháp hướng đến những mục tiêu nhất định, đồng thời cần phải tuân theo những quan điểm, định hướng với những nội dung và lộ trình được xác định một cách khoa học trên cơ sở sử dụng những giải pháp cần thiết.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm cải cách tư pháp, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp, tổ chức thực hiện. Chiến lược mới về cải cách tư pháp phải xác định rõ hơn, cụ thể hơn về những nội dung cốt lõi đó để làm cơ sở cho tiến hành cải cách tư pháp trên thực tiễn trong giai đoạn tiếp theo.

Từ phân tích trên có thể đi đến kết luận, việc đánh giá cải cách tư pháp ở nước ta thời gian qua cần phải dựa vào những luận chứng nói trên về cải cách tư pháp để thấy được những thành tựu và bài học để phát huy, những hạn chế và nguyên nhân để khắc phục 

Nguồn:Tạp chí Luật sư Việt Nam

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660