Trên thực tế, có thể một người đã thực hiện tội phạm, về khách quan, họ là người phạm tội, nhưng nếu không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi được luật hình sự coi là tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó. Chứng minh tội phạm là một quá trình, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tại phiên tòa có căn cứ hay không có căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội thì bị cáo không buộc tự nhận mình có tội, đây là một nội dung quan trọng trong quyền im lặng của bị cáo.


Phòng chống oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết trong công tác cải cách tư pháp. Bảo đảm thực hiện quyền im lặng của bị cáo trong xét xử vụ án hình sự đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) ghi nhận. Các quy định của pháp luật ghi nhận quyền im lặng là điều kiện cần nhưng việc các cơ quan tư pháp bảo đảm quyền này thực hiện trong thực tiễn mới là điều kiện đủ.


Quyền im lặng được thể hiện ở tất cả các giai đoạn từ điều tra, truy tố, xét xử. Về bản chất, quyền im lặng là một nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Ngoài các nội dung về quyền im lặng nêu trên thì đối với vấn đề “Người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo có quyền không đưa ra các chứng cứ bất lợi cho mình” còn là một biểu hiện khác của quyền im lặng.


Trong giai đoạn điều tra, truy tố, vì nhiều lý do khác nhau, các chứng cứ không được thu thập đầy đủ, tại phiên tòa việc bị cáo có quyền sử dụng chứng cứ có lợi để bảo vệ mình là một nội dung của quyền im lặng và thực tiễn một số vụ án gần đây cho thấy, khi vụ án được đẩy lên cao gây bất lợi cho bị cáo thì lúc này bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác xuất trình chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


Quyền nhờ người bào chữa thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa là một nội dung quan trọng nhằm bảo đảm quyền im lặng trong tố tụng hình sự. Bị cáo có quyền tự bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nhưng do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế và những lý do, điều kiện nhất định nên không phải bị cáo nào cũng có khả năng thực hiện hiệu quả quyền im lặng. Do đó, quy định về quyền nhờ người bào chữa tham gia hỏi và trả lời là một bảo đảm quan trọng để bị cáo thực hiện các quyền im lặng.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660